Tối qua trên VTV, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên Hội đồng quản trị HoSE đã có những chia sẻ về chuỗi phiên giảm mạnh của thị trường gần đây.
Đại diện Ủy ban chứng khoán cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh và đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn. "Thị trường có lên có xuống nên nhìn chung vẫn đảm bảo bền vững nhờ nền kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, thị trường tiền tệ tốt, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao", ông Sơn nói. Theo ông, hơn 90% doanh nghiệp niêm yết ở sàn HOSE và HNX đều có tăng trưởng.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau khi chạm đỉnh hơn 1.200 điểm vào đầu tháng 4, chưa đầy hai tháng VN-Index đã giảm hơn 260 điểm, tương đương gần 22%. Đà giảm được tăng tốc trong hai phiên gần đây khi những mốc hỗ trợ mạnh bị phá vỡ, từ ngưỡng 988 điểm VN-Index đã về dưới 935 điểm. Những cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dắt thị trường giai đoạn đầu năm như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đều bị chiết khấu từ 30 đến 40% thị giá.
Theo vị này, chuỗi phiên giao dịch giảm mạnh gần đây có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là thị trường đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và quý I/2018. Vì vậy đợt giảm này nằm trong xu thế điều chỉnh, cùng với đó là nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời bán ra.
Thứ hai, lượng cung hàng hóa trên thị trường cổ phiếu thời gian qua tương đối nhiều. Nhiều cổ phiếu lớn lên sàn niêm yết trong khi lượng cầu hiện tại không đủ và cần có thêm thời gian để hấp thụ lượng cung này. Đề cập đến yếu tố bên ngoài, ông Sơn cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, địa chính trị thế giới cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Riêng việc Mỹ tăng lãi suất thời gian qua cũng làm dịch chuyển các dòng vốn trên thế giới.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây. Ảnh:VNDirect
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên Hội đồng quản trị HoSE cho rằng đợt sụt giảm gần đây của thị trường xuất hiện không như kỳ vọng của cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Tuy nhiên đã có những tín hiệu tích cực hơn ở phiên hôm qua (28/5).
Theo đại diện HoSE, nhịp giảm đã có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap). Trước đây, khi thị trường tăng thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (largecap) sẽ tăng đầu tiên và sau đấy sẽ chuyển sang nhóm vốn hóa trung bình. Điều này cho thấy thị trường sắp quay về thời gian ổn định.
Thứ hai là việc dù cho nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng vẫn giảm nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì đà tăng.
Theo khảo sát của lãnh đạo HoSE, tại các công ty chứng khoán Top đầu, áp lực bán giải chấp (call margin) chỉ từ 40-50 tỷ đồng trong phiên hôm qua. So với giá trị giao dịch hơn 6.000 tỷ đồng của HoSE, đây là con số không đáng kể. "Áp lực bán ra chủ yếu là do nhà đầu tư chốt lời hoặc cắt lỗ hơn là từ áp lực giải chấp", ông Trung đánh giá.