Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Có lo ngại khả năng vận động chính sách khi lùi thời điểm sửa các luật thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thời gian dự kiến trình hồ sơ các dự án luật thuế đã liên tục được lùi lại qua các lần báo cáo, đặc biệt đối với các dự án luật quan trọng, có nhiều vấn đề cần được sửa đổi.
Việc dự kiến dồn quá nhiều dự án luật vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng, thẩm tra và chất lượng các dự án luật. Ảnh: quochoi.vn
Việc dự kiến dồn quá nhiều dự án luật vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng, thẩm tra và chất lượng các dự án luật. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, thời gian dự kiến trình hồ sơ các dự án luật thuế đã liên tục được lùi lại qua các lần báo cáo, đặc biệt đối với các dự án luật quan trọng, có nhiều vấn đề cần được sửa đổi như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trên thực tế không có dự án luật thuế nào được trình Quốc hội theo kế hoạch từ đầu nhiệm kỳ cho đến hết năm 2023.

Theo UBTCNS, Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng dự án luật của Chính phủ dự kiến sẽ tập trung trình các dự án luật thuế vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cụ thể có 6 dự án luật thuế sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong 3 năm 2024 - 2026. Như vậy, mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua đối với 2 dự án luật thuế. Đặc biệt tại kỳ họp tháng 10/2024, Cơ quan xây dựng dự án luật dự kiến trình Quốc hội 4 dự án luật về thuế, gồm: 2 dự án trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu là Luật Thuế TNDN, Luật Thuế bất động sản (thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) và 2 dự án trình Quốc hội thông qua là Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế GTGT.

UBTCNS nêu vấn đề, các luật thuế đều đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và xác định rõ các nội dung cần sửa đổi; Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã có một số văn bản, nghị quyết đề nghị Chính phủ kịp thời trình các hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên cơ sở kết quả rà soát theo đúng tiến độ. Việc chưa có dự án luật thuế nào được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm thể hiện sự chưa chắc chắn và quyết tâm của Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng dự án luật. Ngoài vấn đề đặt ra về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện, cũng có những ý kiến lo ngại về khả năng vận động chính sách từ các nhóm lợi ích liên quan trong việc liên tục lùi lại thời điểm sửa luật, ví dụ như đối với Dự án Luật Thuế TTĐB.

Việc dự kiến dồn quá nhiều dự án luật vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng, thẩm tra và chất lượng các dự án luật cũng như tính thực tiễn, khả thi của kế hoạch được đề xuất.

UBTCNS cũng cho rằng, các nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu cần được xem xét một cách tổng thể gắn liền với việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN để có phương án chính sách thích hợp cho mọi doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng như đầu tư trong nước, các nhà đầu tư hiện hành cũng như các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan của Chính phủ dường như chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng Dự án Luật Thuế TNDN và đang đề xuất lùi thời hạn trình Quốc hội Dự án Luật này từ kỳ họp tháng 5/2024 sang kỳ họp tháng 10/2024. Dự kiến, kế hoạch sửa Luật Thuế TNDN theo hướng này là chậm so với yêu cầu thực tế đang đặt ra, trong khi các nội dung liên quan đã được đề cập trong Báo cáo rà soát Luật Thuế TNDN của Chính phủ; các cơ quan của Chính phủ cũng đã có nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị trên cơ sở các kiến nghị của khu vực doanh nghiệp ĐTNN trong thời gian qua.

Vì vậy, Thường trực UBTCNS cho rằng, các cơ quan liên quan của Chính phủ cần khẩn trương tập trung xây dựng dự án sửa Luật Thuế TNDN, đặc biệt là nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN trong bối cảnh thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp ưu tiên cần hoàn thành trong năm 2024.

Tin cùng chuyên mục