Mặc dù chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Âm lịch, tuy nhiên tỷ giá USD/VND vẫn khá bình lặng.
Thông thường, vào thời điểm gần Tết Âm lịch, lượng kiều hối đổ về nhiều. Đồng thời, nhu cầu thanh toán chi trả bằng VND dịp này cũng bắt đầu dâng cao sẽ kích thích mạnh sự chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng, khiến VND lên giá.
Quả thật, khi nhìn lại những năm gần đây, trước và sau Tết Âm lịch, tỷ giá USD/VND thường rơi mạnh và là dịp Ngân hàng Nhà nước giăng lưới mua vào để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Chiếc lưới này có thể hiểu đơn giản chính là giá mua ngay USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng chính là mốc chặn dưới ngăn không cho tỷ giá USD/VND giảm quá sâu trên thị trường liên ngân hàng.
Năm nay, sau khi bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ, chiếc lưới giao mua ngay này đã được thay thế bằng chiếc lưới mua giao có kỳ hạn 6 tháng, có huỷ ngang.
Nhìn vào việc thay đổi chiếc lưới mua USD có thể hiểu rằng, nhà điều hành đang muốn dùng cung ngoại tệ tương lai để bình ổn cho hiện tại, muốn cho thị trường tự dưỡng.
Do vậy, các ngân hàng sẽ phải nắm giữ ngoại tệ lâu hơn, cân đối tiền đồng dài hạn hơn. Hiểu đơn giản, trong ngắn hạn, nhu cầu ngoại tệ của ngân hàng sẽ giảm tương đối và tỷ giá mua bán của ngân hàng đi xuống theo hướng VND tăng giá nhẹ so với USD.
Tuy nhiên, mặc cho mùa cao điểm đã bắt đầu, mặc cho cung tăng, cầu giảm, tỷ giá USD/VND vẫn bình lặng. Bởi lẽ, trước đó nó đã có nhiều bước giảm lớn.
Mặt khác, USD bắt đầu tăng giá trở lại trên thị trường thế giới nhờ chiến thắng áp đảo của Đảng Dân chủ tại Quốc Hội Mỹ và đề xuất về gói kích thích tài khóa trị giá 1,9 nghìn tỷ đồng của Tân Tổng thống Joe Biden. Hiện chỉ số DXY đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua, đạt 90,7 điểm.
Ghi nhận trên thị trường, trong tuần vừa qua, tỷ giá liên ngân hàng không giảm mà còn tăng nhẹ 2 VND, đóng cửa tại 23.069 VND/USD. Thậm chí xu hướng tăng giá còn tiếp tục diễn ra trên biểu niêm yết của một số ngân hàng thương mại trong phiên giao dịch đầu tuần này (18/1).
Tại diễn biến khác, trên thị trường tiền tệ tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch và lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,26%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi và cho vay cũng không có thay đổi đáng kể trong nửa đầu tháng 1.
Trong phát biểu gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm tra, đánh giá việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và đề nghị các ngân hàng xem việc giảm lãi suất là ưu tiên quan trọng phải xử lý trong đầu năm 2021.
“Với sự quyết liệt từ cơ quan điều hành, lãi suất tiền gửi sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý 1/2021”, Công ty Chứng khoán SSI đưa dự báo.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu thành công trong phiên gọi thầu đầu tiên của năm 2021. Toàn bộ 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu gọi thầu ở 4 kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm được phát hành hết. Lãi suất trúng thầu không đổi ở kỳ hạn 20 năm và giảm từ 2-4 điểm cơ bản ở các kỳ hạn còn lại.
Lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi thấp và quan điểm nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước vẫn là yếu tố chính gây áp lực giảm đối với lợi tức trái phiếu chính phủ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với một năm cao điểm đáo hạn như năm nay, lợi tức trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ trong năm 2021.
Lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng giảm khá mạnh. Thanh khoản thị trường tăng cao, tổng giá trị giao dịch tuần đạt 74,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,3 tỷ đồng.