Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 3, vài ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triều Lập Kiên bày tỏ nghi ngờ quân đội Mỹ "mang nCoV đến Vũ Hán", Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả bằng cách gọi chủng virus mới là "virus Trung Quốc", chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh khi Covid-19 bắt đầu tấn công các thành phố lớn của Mỹ.
Một tuần sau, Trump không còn dùng cách gọi này khi nhắc tới nCoV, nhưng chiến lược "đổ lỗi cho Trung Quốc" của ông chưa dừng lại. Gần đây, chính quyền Trump liên tục chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý Covid-19, nghi ngờ số liệu nước này công bố, thúc đẩy giả thuyết nCoV bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Trung Quốc nhiều lần bác bỏ các cáo buộc, đồng thời cho rằng những động thái từ phía chính quyền Trump là một phần chiến dịch tái tranh cử, nhằm nâng vị thế của Trump trong mắt các cử tri Cộng hòa. Truyền thông Trung Quốc cũng trút "bão công kích" lên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, chỉ trích ông "xấu xa", "lươn lẹo" và "là kẻ thù của nhân loại" sau khi ông nêu lên giả thuyết rằng nCoV rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.
Không dừng lại ở khẩu chiến, chính quyền Trump được cho là đang lên kế hoạch trừng phạt Bắc Kinh vì Covid-19. Nhiều nguồn tin bên trong Nhà Trắng tiết lộ những lựa chọn trả đũa bao gồm áp lệnh cấm vận, đình chỉ nghĩa vụ trả nợ, xây dựng chính sách thương mại mới. Các đồng minh nước ngoài cũng có khả năng bị Washington lôi kéo vào chiến dịch gây áp lực lên Bắc Kinh.
Trước khi Covid-19 bùng phát, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên căng thẳng vì chiến tranh thương mại dai dẳng, với những động thái "ăn miếng trả miếng". David Zweig, giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, chỉ ra rằng cách tiếp cận của Trump với Trung Quốc vài tháng qua không có gì mới so với trước đây, nhưng tình huống hiện nay "phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều".
"Các nguy cơ cao hơn rất nhiều. Hồi năm 2016, vấn đề liên quan tới việc làm của người dân, còn bây giờ là tính mạng của họ", ông giải thích.
Theo Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước giờ đây "xuống mức thấp nhất kể từ năm 1972", khi cố tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử đến Bắc Kinh nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, trong bối cảnh Trung Quốc bị phương Tây cô lập về mặt ngoại giao suốt nhiều năm.
Theo bình luận viên Nectar Gan của CNN, đánh giá của giáo sư Thời càng đáng lo ngại khi xét tới một loạt sự cố nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Trung những năm qua, như vụ Mỹ không kích nhầm đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999, va chạm giữa máy bay do thám Mỹ và tiêm kích Trung Quốc gần đảo Hải Nam năm 2001, hay khủng hoảng tài chính 2008.
"Mỹ và Trung Quốc bước vào trạng thái cạnh tranh và đối kháng toàn diện kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là một đòn giáng nghiêm trọng vào mối quan hệ này", Thời Ân Hoằng nhận định. Ông cho biết hai nước vốn cạnh tranh trên nhiều mặt như thương mại, công nghệ, địa chính trị và hệ tư tưởng, giờ đây càng chia rẽ vì Covid-19, với những biện pháp phong tỏa khiến ngành hàng không và chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn.
Quan hệ song phương lao dốc được cho là khoét sâu thêm khoảng cách giữa dư luận hai nước. Kết quả thăm dò gần đây của Pew cho thấy 66% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát thường niên này bắt đầu được tiến hành vào năm 2005. Chỉ khoảng 25% số người Mỹ được hỏi có thiện chí với Trung Quốc.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, nơi chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bài ngoại đang tăng cao. Bình luận viên Gan cho rằng người dân nước này, đặc biệt tại Vũ Hán, ngày càng cảm thấy ấm ức bởi bất chấp sự hy sinh to lớn của họ nhằm kiềm chế nCoV, Trung Quốc vẫn bị chỉ trích vì không hành động đủ.
"Rõ ràng khi xuất hiện sự thù địch từ bên ngoài nhắm tới Trung Quốc, người dân nước này sẽ hướng đến chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn. Họ cảm thấy dân tộc đang bị tấn công và trở nên vô cùng đề phòng", giáo sư Zweig giải thích.
Khi số ca nhiễm mới giảm ở Trung Quốc và gia tăng tại nước ngoài, truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi thành công của đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời nhấn mạnh sai lầm của những nước khác trong việc ngăn chặn Covid-19 lây lan, đặc biệt là Mỹ. Hãng thông tấn nhà nước Xinhua từng đăng một video chế giễu phản ứng với Covid-19 của Mỹ, thu hút 2 triệu lượt xem trên Twitter.
"Bất chấp một số sai lầm ban đầu tại Vũ Hán, người Trung Quốc nhìn chung vẫn nhất trí cao với các biện pháp ứng phó dịch của chính phủ. Sự yếu kém của chính phủ Mỹ giống như tấm gương đối lập với mức độ đáng tin cậy của Trung Quốc", Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên Twitter hôm 7/5.
Trong bài phát biểu gần đây nhân dịp kỷ niệm 101 năm Phong trào Ngũ Tứ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi vai trò của thanh niên trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời kêu gọi họ "làm việc chăm chỉ nhằm thực hiện giấc mơ Trung Hoa về chấn hưng quốc gia".
Tuy nhiên, trái với những lời tán dương trong nước, Trung Quốc đang phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ bên ngoài vì cách xử lý đại dịch, cũng như áp lực ngày càng tăng về việc mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc nCoV. Nhiều người Mỹ thậm chí đòi Bắc Kinh bồi thường những tổn thất kinh tế do Covid-19. Trung Quốc còn bị cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch ở châu Âu và đối mặt khủng hoảng ngoại giao vì tình trạng người châu Phi bị phân biệt đối xử tại nước này.
Thời Ân Hoằng, cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cho rằng một số cường quốc phương Tây đã bắt tay với Washington để đổ lỗi cho Bắc Kinh mắc sai lầm trong quá trình xử lý Covid-19, gây ra vấn đề quan hệ quốc tế nghiêm trọng đối với Trung Quốc. "Từ góc nhìn của Trung Quốc, điều này liên quan mật thiết đến uy tín và sự ổn định của chế độ", ông nói.
Nhằm bảo vệ hình ảnh, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược ngoại giao quyết liệt mang tên "chiến lang", đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng, với thế hệ nhà ngoại giao trẻ tuổi thể hiện nhiệt huyết và lòng trung thành bằng những thông điệp dân tộc chủ nghĩa. Tuy nhiên, giọng điệu ngày càng gay gắt của họ lại làm dấy lên chỉ trích ở phương Tây và "đổ dầu vào lửa" căng thẳng.
Trung Quốc còn gửi khẩu trang, kit xét nghiệm và vật tư khác, cũng như chuyên gia y tế đến những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ động cơ của họ trong các hành động "tương trợ" này.
"Sau khi đại dịch qua đi, các vấn đề vẫn sẽ tồn tại. Ký ức về đại dịch và sức tàn phá của nó sâu sắc đến mức tôi sợ rằng những vết sẹo sẽ hằn trong trái tim của cả một thế hệ", Thời Ân Hoằng nhận định.