Gói thầu Xây lắp hạng mục san nền, nền mặt đường, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh... do Ban QLDA Biên Hòa (Đồng Nai) làm bên mời thầu. Ảnh: Trường Giang |
Vội vàng loại bỏ nhà thầu
Quá trình theo dõi diễn biến nhiều cuộc thầu cho thấy, không ít cuộc thầu, bên mời thầu/chủ đầu tư không tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia nộp HSDT làm rõ trước khi quyết định loại nhà thầu. Thậm chí, có bên mời thầu còn cố tình cướp đi cơ hội làm rõ HSDT của nhà thầu – quyền lợi chính đáng của nhà thầu được pháp luật bảo vệ. Một ví dụ gần đây là tại Gói thầu Xây lắp hạng mục san nền, nền mặt đường, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh, thoát nước mưa, thoát nước bẩn do Ban Quản lý dự án (QLDA) Biên Hòa (Đồng Nai) làm bên mời thầu. Ban đã loại ngay và không cho nhà thầu Công ty Xây dựng X làm rõ HSDT khi nhà thầu này kê khai trùng trong HSDT 2 cán bộ phụ trách an toàn lao động và phụ trách chất lượng công trình đang làm việc tại một công trình khác đã thi công cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng, mặc dù nhà thầu này đã đáp ứng đủ các tiêu chí khác theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Trong khi đó, theo ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), trường hợp bên mời thầu nhận thấy các nhân sự chủ chốt mà nhà thầu kê khai đang thực hiện cho công trình khác thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trường hợp sau khi làm rõ, nhà thầu chứng minh được khả năng huy động nhân sự cho gói thầu (thời gian huy động không trùng nhau) thì nhà thầu được đánh giá là đạt ở nội dung này.
Còn TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia lâu năm về đấu thầu cho rằng, trong việc huy động nhân sự của nhà thầu có thể có sự tiếp nối nhau và là điều hết sức bình thường. Nhà thầu tham gia đấu thầu chưa chắc đã trúng thầu và từ lúc kê khai, lập HSDT đến khi trúng thầu còn một khoảng thời gian nhất định. Đối với trường hợp này, bên mời thầu không thể vội vàng loại bỏ nhà thầu, cần phải cho nhà thầu làm rõ. Trường hợp nhà thầu đủ điều kiện trúng thầu thì khi thấy nhà thầu kê khai trùng nhân sự, bên mời thầu/chủ đầu tư có thể yêu cầu nhà thầu viết cam kết huy động đủ và đúng nhân sự đã kê khai trong HSDT.
Thiên vị với nhà thầu trúng thầu
Sự đối xử bất bình đẳng giữa các nhà thầu đã không còn là câu chuyện xa lạ. Theo các chuyên gia về đấu thầu, khi gói thầu đã “nhắm” cho một nhà thầu thì việc tổ chức lựa chọn nhà thầu chỉ là hình thức để “đối phó” với pháp luật, việc thiên vị nhà thầu “ruột” và miễn cưỡng, tìm cách loại bỏ nhà thầu khác là hệ quả tất yếu.
Câu chuyện đối xử thiên vị giữa các nhà thầu trong 1 cuộc thầu cũng đã xảy ra tại Gói thầu Xây lắp hạng mục san nền, nền mặt đường, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh, thoát nước mưa, thoát nước bẩn do Ban QLDA Biên Hòa (Đồng Nai) làm bên mời thầu. Sau khi Ban công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, nhiều nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị đến Ban và Báo Đấu thầu tố cáo nhà thầu trúng thầu gian lận trong việc kê khai doanh thu tài chính, làm giả HSDT để trúng thầu. Tuy nhiên, trong công văn gửi Báo Đấu thầu, Ban QLDA Biên Hòa cho rằng, Ban đã đánh giá HSDT của nhà thầu trúng thầu theo các thông tin do nhà thầu này cung cấp và nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin nêu trong HSDT, Bên mời thầu không có cơ sở làm việc với các cơ quan thuế để làm rõ những nội dung tố cáo về nhà thầu này.
Bình luận về câu chuyện này, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, kiểu trả lời thiếu trách nhiệm của bên mời thầu này cho thấy nhiều biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, công bằng và công tâm trong quá trình chấm thầu. Bên mời thầu/chủ đầu tư là những yếu tố then chốt trong quá trình thực thi pháp luật về đấu thầu, và chừng nào những cán bộ của bên mời thầu, chủ đầu tư không có đủ phẩm chất, không giữ vai trò “cầm cân nảy mực” thì những giá trị tốt đẹp của pháp luật về đấu thầu sẽ không đi vào cuộc sống.