Việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC gặp khó vì gắn với lợi ích của nhiều bên. Ảnh: Quế Như st |
Tại Hội thảo chuyển giao DN về SCIC: “Thực trạng, vướng mắc và hướng xử lý” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo lắng trước thực trạng chuyển giao DNNN về SCIC đang rất chậm trễ. Qua gần chục năm thực hiện chuyển giao DN về SCIC, đến nay các bên liên quan mới thống nhất được danh sách 61 DN, vẫn còn 173 DN thuộc diện này nhưng chưa thống nhất chuyển giao. Trong số này có 32 DN thuộc các bộ và 141 DN thuộc địa phương quản lý.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định: “Quá trình chuyển giao chậm chứng tỏ cải cách nền kinh tế chúng ta đang rất chậm và sâu xa hơn là sự giằng xé lợi ích giữa các bên. Chúng ta cần phải tìm hướng giải quyết vấn đề này bằng những việc làm thích hợp”. Theo ông Cung, cơ sở pháp lý có thể chưa hoàn thiện, còn vướng mắc, nhưng không thể không thực hiện. “Đến nay, mới có 61 DN chỉ thống nhất về SCIC thôi chứ họ chưa về hẳn, còn phần lớn các DN chưa về. Lỗi này có phần là của lãnh đạo cơ quan nhà nước, DN và địa phương. Lợi ích đang chi phối hành động", ông Cung nhận xét. Viện trưởng CIEM đề xuất, các bộ, địa phương cần chấm dứt “trì hoãn” việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các bộ, UBND cấp tỉnh về SCIC.
Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cho hay, hầu hết trong số hơn 1.000 DN SCIC tiếp nhận là trong giai đoạn 2006 - 2008, còn từ năm 2009 đến nay tốc độ rất chậm. Tổng giá trị vốn tiếp nhận tại hơn 1.000 DN là hơn 9.900 tỷ đồng (theo giá trị trường là 15.000 tỷ đồng), mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại DN, trong đó có hơn 80% là DN hoạt động kém hiệu quả: số DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%.
Đề cập về nguyên nhân của thực trạng chậm chuyển giao, ông Hiển cho rằng, chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu chưa được quy định rõ ràng. Do đó, những đơn vị trì hoãn việc chuyển giao cũng không bị xử lý.
Chia sẻ về vướng mắc trong quá trình chuyển giao của DN thuộc ngành giao thông, ông Đỗ Thái Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN thuộc Bộ GTVT cho rằng: “Bản thân tôi trước đây cũng ở DN, tôi hiểu có một số DN chưa chắc muốn chuyển giao khỏi bộ quản lý ngành, bởi họ đang hoạt động tốt, tại sao phải chuyển… Trong bối cảnh hiện nay bắt buộc phải chuyển giao DNNN về SCIC cũng nên xem xét từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết thích hợp”.
Đại diện UBND tỉnh Điện Biên thì chia sẻ, Tỉnh có 19 DN thuộc diện phải đổi mới, sắp xếp lại, trong đó có 4 DN chuyển giao về SCIC. Với những DN làm ăn hiệu quả thì việc chuyển giao rất đơn giản, nhưng với DN làm ăn không hiệu quả thì rất mất thời gian do chưa có sự phối hợp sát sao trong giải quyết vướng mắc về đất đai, nợ xấu…
Nêu quan điểm về thực trạng trên, ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp bày tỏ: “Trong dân sự, “ly hôn” là việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại cực kỳ khó giải quyết khi chưa giải quyết được các vấn đề về tài sản, tâm lý, huống chi là chuyển giao DN về SCIC bởi nó gắn với rất nhiều lợi ích”. Theo ông Huệ, có 3 nguyên nhân khiến việc chuyển giao DN về SCIC chưa hiệu quả bởi liên quan đến vấn đề lợi ích; thiếu cương quyết của cơ quan có thẩm quyền, người có trách nhiệm; và thiếu cam kết trong thực hiện.
Tuy nhiên, ông Huệ nhấn mạnh: "Đây là việc lớn nên không giải quyết nhỏ được. Chính phủ cần phải họp với bộ và địa phương, để họ trình bày vướng mắc của họ, nguyên nhân, hướng xử lý một cách rành mạch. Sau đó, Chính phủ phải ra nghị quyết chứ không phải đơn giản là thông báo bằng văn bản như vừa qua. Các bộ trưởng, địa phương phải cam kết trước Thủ tướng về việc chuyển giao chứ không thể xuề xòa”.