Vì sao công ty tài chính tiêu dùng hay gọi đòi nợ nhầm?

Nhiều trường hợp vay chỉ cần nộp vài giấy tờ cơ bản cùng 5 số điện thoại bất kỳ đã được công ty tài chính phê duyệt giải ngân.
Các khoản vay tiêu dùng hầu hết là tín chấp, thậm chí không cần chứng minh thu nhập. Ảnh: H.T
Các khoản vay tiêu dùng hầu hết là tín chấp, thậm chí không cần chứng minh thu nhập. Ảnh: H.T

Sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng - mảnh đất màu mỡ với quy mô ước tính gần 30 tỷ USD, khiến nhiều công ty chen nhau xuất hiện. Mỗi nơi áp dụng một bộ tiêu chí cho vay riêng nhưng đa phần đều thấp hơn rất nhiều so với tín dụng ngân hàng.

Hiện các đơn vị cho vay theo dạng trả góp mua sắm (đồ gia dụng, nội thất, điện máy, phương tiện đi lại) và tiền mặt. Dù hình thức gì, hầu hết khoản vay là tín chấp với giá trị nhỏ, thường là vài chục triệu đồng.

Để được vay, thông thường khách hàng chỉ cần cung cấp giấy tờ chứng minh hai yếu tố, nơi ở và thu nhập cùng số điện thoại từ 2-5 người thân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chi tiết này có thể bị làm giả từ phía người cần vay.

Ví dụ như bảng xác nhận lương tại nơi làm việc có thể được điều chỉnh cao hơn số lương thực nhận để được vay với giá trị cao hơn. Các hóa đơn sinh hoạt cũng có thể làm giả thông qua việc mượn hoặc lấy từ người khác. Thông thường nhất là số điện thoại người thân thường không chính xác. Việc nhầm lẫn chỉ được phát giác khi người đi vay không chi trả đúng hạn và các công ty này tìm cách liên lạc với người thân để đòi tiền.

Đây cũng là lý do của tình trạng nhiều người dù không nợ, cũng chẳng biết người đi vay là ai, nhưng vẫn bị các công ty tài chính gọi điện thoại "truy nã". Lý do là số điện thoại của họ xuất hiện trong danh sách "người có liên quan với người đi vay".

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vài tháng qua cũng ghi nhận hơn 100 trường hợp về tình trạng bị quấy nhiễu từ các công ty tài chính tiêu dùng.

Các công ty tài chính thẩm định hồ sơ với hai yêu cầu là thẩm định thực địa và theo số điện thoại cung cấp. Tuy nhiên, theo một số nhân viên tại các công ty này, do lượng hồ sơ xin vay quá lớn và nhân sự không đáp ứng đủ, nhiều trường hợp được bỏ qua bước thẩm định nếu hồ sơ hợp lý và chưa từng có nợ xấu.

FE Credit, Home Credit và HD Saison là 3 công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu thị trường hiện nay. Ảnh: TL

Dù bộc lộ nhiều rủi ro khi hướng tới nhóm khách hàng "dưới chuẩn", tín dụng tiêu dùng vẫn là một kênh đầu tư sáng giá với tỷ suất lợi nhuận cao - "cái giá" được cho là hợp lý để đánh đổi với rủi ro.

"Bản thân hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng rủi ro rất cao nên luật khống chế không cho họ huy động tiền từ dân cư. Nhưng đây cũng là yếu tố làm  lãi suất cho vay từ công ty tài chính cao hơn nhiều so với vay thương mại của ngân hàng", ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) từng chia sẻ trong một sự kiện về tín dụng tiêu dùng.

Hiện không có mức trần lãi suất cho vay với các công ty tài chính mà chỉ có quy định lãi suất cần được quy đổi theo tỷ lệ phần trăm một năm (thay vì một ngày hoặc mỗi tháng) và phải tính theo số dư nợ cho vay, thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế. Tuy nhiên, các công ty tài chính thường sử dụng con số chi trả hàng tháng tính trên khoản vay và thời gian để che đi mức lãi suất thực sự, có thể lên tới 40-70%. Với các khoản vay nhỏ, người tiêu dùng thường "chủ quan" trước những số tiền này.

Nhờ điều này mà tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các công ty tài chính ở mức ngất ngưởng, dù chi phí vốn đầu vào của các công ty này cao hơn ngân hàng, chi phí hoạt động cũng lớn do khoản vay nhỏ, kỳ hạn ngắn.

Trong báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), NIM của các công ty tài chính tiêu dùng thuộc nhóm đầu thị trường thường đạt từ 26-38%, trong khi NIM của các ngân hàng thương mại chỉ dao động 2-4,5%.

Với thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 5.300 tỷ và 1.600 tỷ đồng, VPBank năm 2014 mới nằm trong nhóm cuối Top 10 trên thị trường. Nhưng bốn năm sau, nhà băng này đã chen chân vào nhóm bốn ngân hàng đứng đầu với hơn 8.100 tỷ đồng lợi nhuận, bám đuổi sát sao những "ông lớn" quốc doanh như Vietcombank, VietinBank hay BIDV. Kết quả này không đến từ sự bứt phá của ngân hàng mẹ mà đến từ sự đóng góp chính của FE Credit - công ty tài chính do VPBank sở hữu 100% vốn.

Tương tự với các nhà băng khác, đây cũng là một khoản đầu tư đáng giá. Đó là lý do không phải ngẫu nhiên mà làn sóng M&A các công ty tài chính tiêu dùng được nở rộ 3 năm gần đây trong ngành ngân hàng. SHB thâu tóm Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel (VVF) và đổi tên thành SHB Finance, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính Dệt may Việt Nam (TFC), hay Seabank đã mua lại Công ty Tài chính Bưu điện với giá 710 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục