Vì sao giá vàng chưa thể tăng mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá vàng trong nước quay trở lại đà tăng từ cuối tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến cuối năm, kim loại quý này khó có thể tăng giá mạnh do chịu lực cản từ sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán.
Giá vàng SJC từ đầu năm đến nay tăng khoảng 2,67%. Ảnh: Độc Lập
Giá vàng SJC từ đầu năm đến nay tăng khoảng 2,67%. Ảnh: Độc Lập

Đến 17h ngày 2/6/2021, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.896,2 USD/oz, chỉ tăng khoảng 0,6% so với mức giá chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2020. Giá vàng thế giới có xu hướng giảm từ đầu năm, có lúc xuống mức 1.713 USD/oz vào tháng 3, sau đó quay trở lại xu hướng đi lên và tăng đáng kể từ cuối tháng 5 đến nay.

Cùng xu hướng với thị trường thế giới, giá vàng SJC trong nước giảm từ mức 56,1 triệu đồng/lượng (giá bán ra) ngày 1/1/2021 xuống mức 54,7 triệu đồng/lượng (giá bán ra) vào đầu tháng 4, sau đó tăng trở lại và lên mức 57,6 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều ngày 2/6/2021, tương ứng mức tăng khoảng 2,67%.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng trong năm nay sẽ chịu tác động mạnh từ các gói kích thích kinh tế dẫn đến lượng tiền dồi dào và rủi ro lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, qua 5 tháng giao dịch, mức biến động của giá vàng thế giới và trong nước là không lớn. Điều này được cho là do giới đầu tư thế giới bị “hút” bởi mức sinh lời hấp dẫn từ thị trường chứng khoán.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 13% tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh gần 20%.

Theo giới phân tích, việc vàng giảm giá chỉ là tạm thời và kim loại quý này đang củng cố sức mạnh cho những bước tăng tiếp theo. Theo đó, lạm phát sẽ là lực đẩy chủ yếu của giá kim loại quý này. Thực tế, nhiều nước trên thế giới tiếp tục tung các gói kích thích kinh tế mạnh và giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 là những yếu tố gây lo ngại cho lạm phát. Số liệu công bố cho thấy, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4 tăng vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trong khi đó, một số ý kiến dự đoán rằng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu và trở thành động lực tiềm năng cho giá vàng. Trong tháng 5, chỉ số Dollar Index - thước đo về giá của đồng USD giảm khoảng 1,6%, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, giá vàng trong nước chủ yếu biến động cùng nhịp với thị trường thế giới. Mức tăng của giá vàng trong nước không đáng kể so với mức tăng của thị trường chứng khoán.

“Bên cạnh lực tác động yếu từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước còn được kiềm giữ nhờ kinh tế Việt Nam trong quý I tăng trưởng khả quan so với nhiều nền kinh tế khác, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Đặc biệt, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, giá trị giao dịch có phiên lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 5 là hơn 114.100 tài khoản. Thị trường bất động sản vẫn có sóng ở nhiều khu vực. Vậy thì, còn chỗ nào cho vàng?”, ông Hải nói.

Dự báo về giá vàng trong nước từ nay đến cuối năm, vị chuyên gia này cho rằng, biến động giá của hàng hóa đặc biệt này vẫn chịu sự tác động chủ yếu của thị trường thế giới và dự báo sẽ khó tăng mạnh.

Tin cùng chuyên mục