Vị thế mới của nhà thầu xây dựng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên những công trình trọng điểm, phức tạp đang thi công gấp rút ngày đêm, dấu ấn của những “ông lớn” trong làng thầu xây dựng Việt Nam đang được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của đội ngũ thầu phụ, thầu phụ đặc biệt đang tạo nên gương mặt mới hoàn toàn cho ngành xây dựng: chuyên nghiệp, bền vững và cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí nhiều lợi thế hơn so với các nhà thầu quốc tế.
Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) vừa được đưa vào vận hành. Ảnh: Lê Tiên
Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) vừa được đưa vào vận hành. Ảnh: Lê Tiên

Những tên tuổi lớn trên công trình trọng điểm

Khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố danh tính đơn vị trúng thầu Gói thầu 5.10 thi công thân nhà ga, cái tên Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) xuất hiện đã thêm một lần chứng minh năng lực của một nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Nhà thầu này cũng đang triển khai thi công Gói thầu 3.4 San lấp mặt bằng sân bay Long Thành. Như vậy, chỉ tính riêng tại dự án trọng điểm quốc gia này, dấu ấn của Vinaconex khá đậm nét. Tại Gói thầu 3.4, Vinaconex đảm nhiệm khối lượng đào đắp chính lên tới 115 triệu m3, chiếm gần 30% khối lượng thực hiện trong toàn liên danh.

Ghi danh tại Gói thầu 5.10 còn có những nhà thầu lớn chuyên thi công các dự án trọng điểm như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Hancorp là một tổng thầu xây dựng dân dụng, công nghiệp với bề dày kinh nghiệm gắn liền loạt công trình như: Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn…

Trong liên danh trúng thầu Gói thầu 5.10, cũng có nhiều tên tuổi hàng đầu trong khối tư nhân như: Ricons, Newtecons… Đây là những đơn vị có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu quốc tế tại các dự án phức hợp, cao ốc quy mô lớn nhất Việt Nam và cũng là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà đầu tư tầm cỡ khi phát triển dự án đô thị tại Việt Nam. Thực tế, tại nhiều gói thầu đấu thầu quốc tế quy mô lớn, các công ty xây dựng Việt Nam đã khẳng định vị thế là nhà thầu chính, tự tin sánh vai với nhà thầu nước ngoài chứ không chỉ đảm nhận vai trò thầu phụ như trước.

Trong khi đó, việc triển khai đầu tư vào dự án cao tốc Bắc - Nam cũng giúp hình thành đội ngũ nhà thầu thi công thực lực. Đơn cử Tập đoàn Sơn Hải với tuyên bố bảo hành miễn phí công trình dài hạn. Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hải tự tin cho biết, khi được tin tưởng giao thi công cao tốc, Sơn Hải đã mạnh dạn đầu tư, nhập những dàn thiết bị, vật tư hiện đại nhất để tăng hiệu quả công tác thi công. “Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc Tập đoàn Sơn Hải) là doanh nghiệp dự án đã vượt tiến độ ở nhiều mốc quan trọng. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành vào quý III/2023, nhưng thực tế đã thông xe kỹ thuật, đủ điều kiện lưu thông từ tháng 5/2023, về đích trước hạn 3 tháng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện nhiều dự án thuộc các lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, hạ tầng… đều do nhà thầu Việt phụ trách. Có thể kể đến Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); các gói thầu lớn nhất thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2…

Hệ sinh thái tổng thầu - thầu chính - thầu phụ thuần Việt

Quốc khánh năm nay, có nhiều công trình cầu trọng điểm của quốc gia được thông xe kỹ thuật, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Dấu mốc quan trọng này khẳng định hành trình dài đội ngũ nhà thầu Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ thi công cầu - một trong những công trình giao thông phức tạp nhất. Và tại những công trình này, đã hình thành nên những hệ sinh thái vững chắc, với những tổng thầu, thầu chính, thầu phụ, thầu phụ đặc biệt đều do đội ngũ doanh nghiệp Việt đứng đầu.

Hiện nay, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành (tỉnh Bắc Ninh) được đánh giá là cầu có vòm thép cao nhất Việt Nam. Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được khởi công xây dựng vào tháng 1/2018, hợp long vào ngày 30/6/2022. Với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành có tổng chiều dài hơn 1.500m, rộng 22,5m, với kiến trúc 5 nhịp vòm cao từ 40 m tới 67m. Từ mặt nước lên tới đỉnh vòm thép của cầu có độ cao lên đến 87 m.

Đảm nhận việc thi công cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành là liên danh gồm 7 nhà thầu, bao gồm: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH MTV Xây dựng Cầu 75, Công ty CP Cầu 14, Tổng công ty Thăng Long, Công ty TNHH Nhạc Sơn và Công ty HAC. Trong đó, Cienco 1 là nhà thầu có giá trị khối lượng công việc lớn nhất.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Nam, Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Nam Anh, thầu phụ đặc biệt thi công kết cấu thép, vòm thép của cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành cho biết rất vinh dự được tham gia đại công trình này. Do độ cao rất lớn, tổng thầu và thầu phụ phải áp dụng công nghệ hiện đại nhất phục vụ thi công lắp đặt điện gió để hoàn tất. “Tham gia vào các đại công trình do nhà thầu Việt Nam đảm nhận 100% có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành của đội ngũ thầu phụ đặc biệt như chúng tôi. Chúng tôi có thể tự hào rằng, đội ngũ nhà thầu Việt Nam hoàn toàn chủ động được mọi công tác thi công ở các dự án cầu phức tạp, kỹ thuật cao”, ông Nam cho biết.

Trên diễn đàn của Hội Kỹ sư xây dựng, những hình ảnh thi công cầu Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 đang khiến nhiều người trong nghề phấn chấn hơn bao giờ hết. Kể từ sau cầu Cần Thơ (nhà thầu Nhật Bản thi công), đến nay, những cây cầu lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn toàn do đội ngũ nhà thầu Việt Nam đảm nhận. Bộ Xây dựng cho biết, hiện Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ xây các cây cầu nhịp lớn, kể cả dây văng, dây võng, cầu vòm…

Tại công trình cầu Mỹ Thuận 2, Gói thầu XL.03B được giao cho Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thực hiện với giá trúng 1.516,699 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án 7, Gói thầu có một số hạng mục phức tạp, thi công khó khăn, nhưng Nhà thầu đã huy động nhiều máy móc, thiết bị khủng như cần cẩu 550T, máy khoan BG36, sà lan 4.000 tấn để đưa Gói thầu XL.03B vượt tiến độ. “Gói thầu XL.03B luôn được bố trí 3 ca 4 kíp, công trường luôn trong trạng thái thi công 24/24h. Dự án sẽ được hợp long vào tháng 10/2023”, Nhà thầu Trung Chính cho biết. Đến nay, sản lượng thi công Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 đạt hơn 90%, đáp ứng hoàn toàn tiến độ mà Bộ Giao thông vận tải đề ra.

Tham gia với vai trò thầu phụ đặc biệt tại Dự án Cầu Mỹ Thuận 2, Công ty CP Bê tông 620 Châu Thới cho biết, dù với vai trò nào, khi tham gia vào các dự án giao thông trọng điểm, Nhà thầu luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Được sự tin tưởng của chủ đầu tư, các tổng thầu, thầu chính, đội ngũ thầu phụ đã không ngừng lớn mạnh, chuyên nghiệp hóa theo từng công trình, từng giai đoạn. Đây là yếu tố không thể tách rời, làm nên một hệ sinh thái bền vững, giúp đội ngũ nhà thầu thi công Việt Nam dần làm chủ hoàn toàn các công trình vì sự phát triển của đất nước.

Tin cùng chuyên mục