VN-Index tăng mạnh nhưng vẫn chưa vượt ra khỏi được biên độ của tuần trước. |
Dòng tiền vào sàn HSX giảm đột ngột hôm nay nhưng đà tăng của các cổ phiếu blue-chips vẫn cực kỳ ấn tượng, đưa chỉ số VN30-Index vượt đỉnh lịch sử. Trong khi đó VN-Index vẫn chưa thoát ra khỏi biên độ tuần trước.
Thực tế nếu tính theo mức đóng cửa thì hôm nay VN-Index cũng đã có đỉnh cao lịch sử mới ở 1260,58 điểm. Tuy vậy tuần trước mức cao nhất mà chỉ số này ghi nhận được là 1268,02 điểm trong ngày 13/4.
Nhiều thông tin tích cực xuất hiện cuối tuần qua, trong đó nổi bật là việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tỷ giá. Thông tin này có tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu tài chính
Cổ phiếu ngân hàng quay đầu tăng đồng loạt sau những phiên cuối tuần trước khá u ám. VCB tăng 2,28%, BID tăng 2,38%, STB tăng 3,62%, TPB tăng 2,17%, CTG tăng 1,19%, HDB tăng 2,24%, TCB tăng 2,84%, MBB tăng 0,99%, ACB tăng 1,81%, VIB tăng 1,96%, SHB tăng 3,88%...
Trong Top 5 cổ phiếu kéo VN-Index lên mạnh nhất, có hai mã ngân hàng là VCB và TCB. Ngoài ra BID đứng thứ 6. Ba cổ phiếu tăng giá hàng đầu phiên này là VHM, HPG và MSN.
Mặc dù tăng khỏe nhất, kéo chỉ số nhiều nhất nhưng VHM lại không ấn tượng bằng hai mã còn lại. VHM tăng 3,47% đẩy chỉ số lên hơn 3 điểm. VHM cũng có một phiên thanh khoản lịch sử, khi chuyển nhượng 9,1 triệu cổ trị giá 943 tỷ đồng. Câu chuyện là VHM tăng mạnh vẫn chỉ là quay lại đỉnh cao cũ từ đầu năm.
Trong khi đó HPG và MSN đều bùng nổ lên đỉnh cao quan trọng. HPG tăng 5,86% lên 57.800 đồng, tiếp tục tìm đỉnh lịch sử mới. Mã này cũng dẫn đầu thị trường về thanh khoản với 34,8 triệu cổ trị giá 1956,9 tỷ đồng. MSN tăng kịch trần 6,99% lên 107.100 đồng, vượt đỉnh 2021 và áp sát đỉnh lịch sử tháng 3/2018. MSN cũng có được phiên kịch trần đầu tiên của năm nay.
Nhóm VN30 có 25 mã tăng (2 mã kịch trần) và 4 mã giảm, nhưng lực đẩy chính chỉ dồn vào khoảng 5 mã quan trọng. Chẳng hạn VHM, HPG, MSN, VCB, TCB đóng góp 12 điểm trong tổng số 21,87 điểm tăng của VN-Index. 5 mã này cũng đóng góp gần 17 điểm trong tổng 29,35 điểm tăng của VN30-Index.
Mặc dù các mã lớn có vai trò quan trọng trong việc gia tốc điểm số cho các chỉ số, nhưng thị trường tăng hôm nay cũng dựa trên độ rộng rất tích cực. Ngay như rổ VN30, chỉ số tăng 2,3% thì cũng có 17 mã tăng trên 2%. Toàn sàn HSX có số lượng cổ phiếu tăng giá gần gấp đôi số giảm. VN-Index tăng 1,77% thì cũng có gần 120 mã tăng bằng hoặc cao hơn mức này.
Như vậy đà phục hồi đã diễn ra trên diện rộng, đảm bảo một phiên đảo chiều ngoạn mục. Cổ phiếu duy nhất gây thất vọng có lẽ là VNM, khi vẫn giảm 0,83% so với tham chiếu. VNM đang trong xu hướng giảm gần như liên tục trong 12 phiên gần nhất. Giá trị đã bốc hơi 6,43%.
Hôm nay VNM thậm chí còn suýt khiến nhà đầu tư "đau tim" khi phá đáy 2021. VNM từng điều chỉnh thấp nhất tới 96.100 đồng hôm 28/1 vừa qua. Trong phiên hôm nay VNM có lúc giảm tới 95.100 đồng. Áp lực bán chính là từ khối ngoại, khi nhóm nhà đầu tư này xả 3,64 triệu cổ trong tổng giao dịch 5,72 triệu cổ, tức là chiếm tới gần 64% thanh khoản. VNM cũng là mã bị bán ròng lớn nhất thị trường, khoảng 262,8 tỷ đồng.
Đà giảm của VNM không có nhiều ảnh hưởng lắm tới chỉ số, chỉ lấy đi khoảng 0,7 điểm của VN30-Index và 0,5 điểm của VN-Index. Mã này chỉ khiến thị trường vướng chân và gây chán nản cho nhà đầu tư, khi cả thị trường rừng rực tăng giá.
Một điểm khá bất ngờ hôm nay là thị trường đã không thu hút được dòng tiền tăng thêm. Mặc dù yếu tố giá rất tốt, nhưng giá trị khớp lệnh sàn HSX vẫn giảm 9% so với phiên cuối tuần trước, đạt 18.350,5 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu dòng tiền, giao dịch tại rổ VN30 giảm không đáng kể, chỉ thấp hơn phiên trước 1%, trong khi đó Midcap giảm 20%, Smallcap giảm gần 4%. Tuy vậy VN30 chủ yếu dựa vào thanh khoản của HPG, MSN và đặc biệt là VHM bùng nổ giao dịch kỷ lục. Giá trị khớp của 3 mã này đã chiếm gần 35% giá trị cả rổ.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có phiên bán ròng rất lớn nữa. VNM chỉ là một, còn VHM bị bán ròng 145 tỷ đồng, MBB khoảng 85,5 tỷ đồng, HPG gần 79,8 tỷ, KDH -73,2 tỷ, VIC -42 tỷ, VRE -32,8 tỷ, PNJ -28 tỷ... Toàn các blue-chips bị bán ròng khủng, khiến rổ VN30 bị rút đi 739 tỷ đồng ròng. Toàn sàn HSX bị bán ròng 743 tỷ đồng nhờ mua ròng bù lại tại MSN (104 tỷ), DXG (46 tỷ), STB (38 tỷ), NVL (19 tỷ đồng).