Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là đại công trình ngăn mặn cho nhiều địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… với quy mô đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Ảnh: Chí Quốc |
Một ngày đầu tháng 7/2021, khi mức độ tàn phá của đại dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam rất nặng nề, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dành nhiều thời gian nói về khó khăn của nhà thầu. “Công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đóng trên địa bàn tiếp giáp nhiều tỉnh miền Tây. Việc huy động nhân lực, phương tiện lưu thông của các nhà thầu, công tác quản lý, điều hành của Chủ đầu tư gặp phải những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Mỗi địa phương áp dụng quy định phòng dịch khác nhau khiến cả Chủ đầu tư lẫn nhà thầu bở hơi tai. Khó khăn phát sinh với nhà thầu vô cùng lớn: nhân công bị nhiễm Covid-19, cung ứng vật tư bị đứt đoạn, gánh nặng chi phí “3 tại chỗ” duy trì trong nhiều tháng…”, ông Linh chia sẻ.
Đại công trình ngăn mặn cho nhiều địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… với quy mô đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng này thi công trong 24 tháng thì 24 tháng đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có đến 8 tháng áp dụng triệt để mô hình “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, cũng nhờ công nhân hạn chế đi lại, công trình phải khoanh kín để tập trung cho thi công xuyên dịch, nên tiến độ được rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, một áp lực rất lớn khác là từ đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng các nhà thầu đã chủ động có nhiều phương án dự phòng để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Công trình về đích thành công là sự nỗ lực rất lớn của Chủ đầu tư cũng như nhà thầu chung tay vượt khó, và có cả yếu tố may mắn khi đẩy nhanh tiến độ ngay sau khi khởi công nên đã “né” được “bão” trượt giá vật liệu xây dựng năm 2021.
Tại Ban Quản lý đầu tư và xây dựng dự án 9 - đơn vị được giao quản lý Dự án Quản lý nước Bến Tre cho biết, “bão giá” vật liệu xây dựng năm 2021 đã khiến chi phí của Dự án đội lên rất lớn. Do Dự án triển khai đấu thầu, xây lắp trong năm 2021 nên những ảnh hưởng của đại dịch, giá vật liệu khiến tỷ lệ giải ngân thấp.
Cộng đồng nhà thầu xây lắp cũng như các chủ đầu tư đã đồng lòng vượt qua một năm 2021 “bão tố” với những khó khăn, trở ngại chồng chất. Nhưng những khó khăn này càng giúp rèn giũa bản lĩnh, sức vươn lên vượt qua nghịch cảnh, bởi khó khăn chỉ là tạm thời, quyết tâm, đồng lòng mới là sức mạnh lâu bền để xây dựng nên những công trình tầm vóc.
Gói thầu XL4-JICA3 Xây lắp cống Tân Phú và cống Bến Rớ thuộc dự án trên đã đấu thầu xong từ đầu năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các công trình xây dựng phải tạm dừng, làm ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân (giá trị giải ngân chậm khoảng 30 tỷ đồng).
Đồng thời, do ảnh hưởng của đại dịch, các chuyên gia Nhật Bản khó sang Việt Nam dẫn đến công tác thiết kế bị chậm trễ, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Công trình gần 10.000 tỷ đồng được hàng triệu người dân miền Tây mong đợi chưa thể đạt tiến độ như kỳ vọng.
Hàng loạt công trình khác khởi công trong năm 2021 khi giá các vật liệu cơ bản như sắt thép, cát… đồng loạt dậy sóng bất thường. “Bão giá” vật liệu đã khiến 22 nhà thầu xây dựng tại Cà Mau phải làm đơn kêu cứu đến Chủ tịch UBND Tỉnh.
Theo Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), tại công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, các nhà thầu đã rất cố gắng để phối hợp với Tổng thầu EPC và Chủ đầu tư giải quyết những khó khăn, đảm bảo quá trình thi công diễn ra thông suốt, an toàn và đảm bảo tiến độ. LILAMA cho biết, để công trình ít bị tác động bởi đại dịch, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp với quyết tâm cao nhất và mấu chốt là có cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn, khả thi để tháo gỡ những vướng mắc cụ thể và khó khăn tổng quát, nhất là khó khăn về tài chính và chi phí phát sinh do Covid-19. Dự án đã được quyết định gia hạn thời gian hoàn thành, phê duyệt đơn giá chi tiết theo quy định để thanh toán cho tổng thầu và chấp thuận thanh toán bổ sung những chi phí phát sinh do dịch bệnh, bất khả kháng.
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là công trình cần nguồn cung ứng vật tư, thiết bị khổng lồ. Để không bị gián đoạn, Chủ đầu tư đã đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù về hệ thống logistics để vật tư, thiết bị từ nước ngoài có thể về Dự án nhanh nhất, đồng thời hạn chế tối đa các tác động tiêu cực do giá vật tư, thiết bị tăng đột biến. Dự án cũng là mô hình thành công khi đề nghị cần có quy định nhất quán, kiểm soát một cửa về việc cho phép chuyên gia của nhà cung cấp thiết bị từ nước ngoài đến làm việc một cách nhanh nhất.
Trung tuần tháng 8/2021, ngay tại cuộc họp với Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã yêu cầu gửi danh sách công nhân thi công trên công trình đến CDC Cần Thơ. Danh sách công nhân đang thi công tại đây đã nhanh chóng được cập nhật để CDC Cần Thơ tổ chức tiêm vaccine ngay ngày hôm sau. “Đây là động thái đặc biệt để duy trì tiến độ thi công cho các công trình, nơi hàng trăm công nhân vẫn miệt mài lao động, đối diện với nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Chủ đầu tư và các nhà thầu trong thời điểm đó như được tiếp thêm sức mạnh để nỗ lực đưa công trình sớm về đích”, ông Bùi Thái Thượng - Giám đốc Ban ODA Cần Thơ chia sẻ.
Cộng đồng nhà thầu xây lắp cũng như các chủ đầu tư đã đồng lòng vượt qua một năm 2021 “bão tố” với những khó khăn, trở ngại chồng chất. Nhưng những khó khăn này càng giúp rèn giũa bản lĩnh, sức vươn lên vượt qua nghịch cảnh, bởi khó khăn chỉ là tạm thời, quyết tâm, đồng lòng mới là sức mạnh lâu bền để xây dựng nên những công trình tầm vóc.