Chi tiêu cho dược phẩm tại Việt Nam ở mức cao, chiếm tới 43% chi tiêu cho y tế . Ảnh: Tường Lâm |
Đây là con số tại Báo cáo cải thiện hiệu quả, hiệu suất và tính công bằng trong chi tiêu công của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay (11/12).
WB nhận định khi nợ công tiến sát hạn mức 65% GDP theo luật định, Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với những hạn chế đòi hỏi phải thắt chặt ngân sách trong vài năm tới.
Theo Báo cáo, dù tỷ trọng chi đầu tư giảm xuống, song chi tiêu của Chính phủ vẫn ở mức cao so với GDP. Tỷ trọng chi đầu tư, mặc dù giảm so với tổng chi ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Tỷ trọng chi thường xuyên tăng lên, do tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, chi lương tiền công và trợ cấp và cả chi trả lãi, trả nợ.
Chuyên gia của WB chỉ ra chi lương đã và đang tăng nhanh. Tổng chi lương của Chính phủ hiện ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực, tương đương các quốc gia thu nhập trung bình. Cụ thể, tỷ trọng chi lương so với với GDP bình quân 6,5% trong giai đoạn 2009-2012, cao gấp đôi Indonesia và Hàn Quốc, cao gấp ba so với Singapore. Chuyên gia WB phân tích nguyên nhân chi lương tăng là do tăng biên chế và tăng lương cơ sở. Biên chế những năm qua vẫn tăng khá nhanh, đặc biệt cấp địa phương
WB cũng chỉ ra chi tiêu cho dược phẩm tại Việt Nam ở mức cao, chiếm tới 43% chi tiêu cho y tế (2,7% GDP năm 2010). Mức chi tiêu này cao hơn so với các quốc gia láng giềng và mức bình quân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (16% chi tiêu cho y tế hay 2% GDP). Chuyên gia WB khuyến nghị đấu thầu thuốc tập trung, đặc biệt với các dòng thuốc phổ thông để tiến tới giảm chi phí dược phẩm hơn so với hiện nay.