Xây đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình: Đã có nhà đầu tư trúng sơ tuyển

(BĐT) - UBND TP. Hải Phòng vừa công bố Quyết định phê duyệt nhà đầu tư liên danh trúng sơ tuyển thực hiện Dự án PPP (hợp đồng BOT) tuyến đường ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng.
Dự án tuyến đường ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển liên kết vùng. Ảnh: Hoài Nam
Dự án tuyến đường ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển liên kết vùng. Ảnh: Hoài Nam

Liên danh này gồm 4 nhà đầu tư là Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (CC1), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – TNHH MTV (IDICO), Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9 (CIENCO 9).

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng vốn đầu tư là 3.460 tỷ đồng. Vốn góp của Nhà nước là 411,754 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển.

Dự án có địa điểm thực hiện tại quận Đồ Sơn, các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, TP. Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tổng chiều dài toàn tuyến là 29,7 km. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn TP. Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 20,8 km, đoạn đi qua  tỉnh Thái Bình dài 9 km.

Đối với công trình cầu, quá trình triển khai Dự án sẽ có 9 cầu được xây dựng mới với tuổi thọ 100 năm. Trong đó, địa phận TP. Hải Phòng xây dựng 5 cầu với chiều dài 3,5 km (cầu qua sông Lạch Họng, cầu qua sông Văn Úc, cầu vượt ĐT.212, cầu qua Kênh Nam, cầu qua sông Thái Bình); địa phận Thái Bình xây dựng 4 cầu dài 127,6m (cầu sông Tiên, cầu Chùa Xú, cầu Thụy Trường, cầu Thụy An).

Dự án do Liên danh nhà đầu tư CC1 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ - CIENCO 9 (không có nhà đầu tư IDICO) đề xuất thực hiện theo hình thức PPP. Ngày 20/10/2016, UBND TP. Hải Phòng đã có Quyết định số 2423/QĐ-UBND  phê duyệt đề xuất Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 3.176 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 411,863 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư. Với mức thu phí theo đề xuất, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, thời gian hoàn vốn của Nhà đầu tư là khoảng 23 năm 4 tháng, với chu kỳ tăng phí là 3 năm sẽ tăng 15%.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực, phù hợp với định hướng phát triển và góp phần hoàn thiện liên kết các tỉnh.

Đây là một trong số các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa (550 km) thuộc Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010. Tuyến đường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển liên kết vùng, mở ra hướng phát triển kinh tế đột phá cho từng địa phương. Mới đây, Lãnh đạo 3 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Xây dựng đã có cuộc họp bàn để thống nhất tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để có thể hoàn thành tuyến đường trước năm 2020.

Tin cùng chuyên mục