Xây quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án thuộc lĩnh vực điện nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, nhưng chưa có quy định về việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Việc có quy định chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tạo thuận lợi hơn trong triển khai các dự án lĩnh vực này.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trong quá trình xây dựng có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện, nhưng chưa xác định cụ thể trường hợp dự án phải tổ chức đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trong quá trình xây dựng có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện, nhưng chưa xác định cụ thể trường hợp dự án phải tổ chức đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Trong thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, dự án nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền ở một số địa phương đã “chọn” áp dụng pháp luật đấu thầu để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án này theo quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Ví dụ Dự án LNG Cà Ná (Ninh Thuận), Dự án LNG Nghi Sơn (Thanh Hóa) hay một số dự án điện gió tại Trà Vinh.

Thực tiễn, nhìn vào 2 dự án LNG Cà Ná và Nghi Sơn, có thể thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư khá lớn. Dự án LNG Cà Ná (Ninh Thuận) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 51,8 nghìn tỷ đồng, theo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư quan tâm, sau khi Dự án công bố danh mục, có 5 nhà đầu tư đã đạt yêu cầu. Đó là Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc và Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc; Công ty Gulf MP Company Limited; Tập đoàn Jera Company Inc; Liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty CP Zarubezhneft; Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Theo nhiều nguồn tin, đến nay, có thêm một số nhà đầu tư khác thể hiện sự quan tâm đến Dự án.

Dự án LNG Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 58 nghìn tỷ đồng cũng có 5 nhà đầu tư vào danh sách ngắn là Liên danh JERA Co., Inc - Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư PV POWER - Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group); Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) - Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP (APT); SK E&S Co., Ltd; Gulf Energy Development Public Company Limited.

Dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng hiện nay, pháp luật về điện lực chưa có quy định về việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện, vì thế không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, trong đó có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện nhưng chưa xác định cụ thể trường hợp dự án phải tổ chức đấu thầu.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, dự án nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG. Ảnh minh họa: Phú An

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, dự án nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG. Ảnh minh họa: Phú An

Trước mắt, trong khi Luật Điện lực (sửa đổi) chưa được ban hành, để đáp ứng yêu cầu cấp bách tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số dự án điện thuộc Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đề nghị xác định một số dự án nguồn điện, lưới điện tổ chức đấu thầu khi có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tại Công văn số 5045/VPCP-CN ngày 17/7/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo “nghiên cứu bổ sung quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực điện (gồm cả nguồn điện khí), lưới điện”. Thực hiện chỉ đạo và căn cứ ý kiến của Bộ Công Thương tại văn bản ngày 31/7/2024, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện nội dung này tại Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (gọi tắt là Dự thảo Nghị định).

Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị định bổ sung dự án điện thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu gồm: dự án đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG, bao gồm hoặc không bao gồm lưới điện đấu nối đồng bộ (sau đây gọi chung là dự án đầu tư phát triển nguồn điện) thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về điện lực khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện.

Đồng thời, để có căn cứ pháp lý thực hiện đấu thầu đối với các dự án điện, bảo đảm tuân thủ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024, Dự thảo Nghị định bổ sung khoản 6 vào Điều 3 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật Sửa đổi một số điều của Luật Điện lực. Theo đó, bổ sung nội dung: Thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với dự án được đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG, bao gồm hoặc không bao gồm lưới điện đấu nối đồng bộ khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, trừ trường hợp: dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật về điện lực; dự án được đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư công; dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự án thủy điện mở rộng, điện gió ngoài khơi, lưới điện sửa chữa hoặc nâng cấp, nguồn điện tự sản tự tiêu; dự án điện lực khẩn cấp theo quy định của pháp luật về điện lực.

Về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, Dự thảo Nghị định quy định đầy đủ quy trình, thủ tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để áp dụng thống nhất đối với tất cả dự án đầu tư có sử dụng đất. Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá tại Dự thảo Nghị định được quy định theo hướng áp dụng chung cho các ngành, lĩnh vực và có tính đến một số tiêu chuẩn đặc thù của từng ngành. Đối với dự án điện, để thể chế hóa chủ trương “giá bán điện xác định thông qua đấu thầu” tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT đã bổ sung quy định đặc thù của nội dung hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư phát triển nguồn điện, trong đó có yêu cầu hồ sơ mời thầu bao gồm cả dự thảo hợp đồng mua bán điện được thống nhất với bên mua điện.

Tin cùng chuyên mục