Tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế đã tồn tại nhiều năm qua. Ảnh: Tiên Giang |
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa phát đi cảnh báo về việc hiện có 15 thuốc của 8/18 nhà thầu có nguy cơ không đủ cung ứng theo dự trù cho các CSYT do số lượng tồn kho thấp; 9 thuốc của 8/18 nhà thầu chưa có để cung ứng cho các CSYT. Trong số đó, một số thuốc của Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 có nguy cơ thiếu là: Tienam 500mg+500mg, Mabthera 500mg/50ml, Nexavar 200mg… tại các CSYT như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế… Thuốc Cerebrolysin 215,2mg/ml x 10ml của Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội cung ứng cho Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… cũng có nguy cơ thiếu.
Mặc dù các nhà thầu cam kết các mặt hàng nêu trên sẽ về trước ngày 31/12/2022, nhưng Trung tâm vẫn đề nghị nhà thầu khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các CSYT, đồng thời làm việc với các CSYT đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết.
Phản hồi với Báo Đấu thầu, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 cho biết, hiện thuốc Tienam 500mg+500mg, Mabthera 500mg/50ml, Nexavar 200mg không thiếu, vẫn còn một lượng lớn hàng tồn kho. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp như Bệnh viện Trung ương Huế, đúng là có tình trạng giao hàng với số lượng hạn chế, do Bệnh viện chưa thanh toán công nợ.
Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội cho biết, số lượng và tiến độ cung cấp thuốc trúng thầu của Nhà thầu vẫn được đảm bảo, khả năng thiếu thuốc là do CSYT dự báo, không phải do Nhà thầu thiếu hàng.
Trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, Trung tâm đề nghị các CSYT xử lý nghiêm theo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu, Trung tâm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định và xem xét việc đánh giá khả năng cung ứng thuốc của nhà thầu, cũng như uy tín của nhà thầu trong thực hiện hợp đồng.
Trên thực tế, tình trạng thiếu thuốc đã tồn tại nhiều năm qua do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nhắc tới nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía các nhà thầu/nhà cung ứng.
Theo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Y tế nêu rõ, một số nhà thầu không sẵn sàng cung cấp tiếp, dù hợp đồng còn hạn, số lượng thuốc cần cung cấp vẫn còn nhiều; nhà thầu ngừng cung cấp thuốc do công nợ của bệnh viện chưa được thanh toán dứt điểm, quá hạn. Một số nhà thầu gián đoạn cung ứng, giao hàng chậm trễ, nhỏ giọt; không giao đủ số lượng đã đặt hàng; giao hàng với số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn. Một số nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng cung ứng… Những hiện tượng này không mới, nhưng gần đây rất phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, giá cả biến động tăng mạnh…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số CSYT cho biết, đối với những trường hợp vi phạm hợp đồng, sau nhiều lần yêu cầu mà nhà thầu vẫn không thực hiện, CSYT thường quyết định dừng hợp đồng, tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Những vi phạm này hầu như không được đưa vào thang điểm đánh giá kỹ thuật về uy tín nhà thầu trong những cuộc thầu lần sau.
Thực tế, Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc trong CSYT công lập chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng, nên tình trạng nhà thầu không thực hiện đầy đủ, đúng theo hợp đồng đã ký với CSYT còn xảy ra nhiều.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Bộ Y tế vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bổ sung chế tài đối với nhà thầu trúng thầu nhưng không cung ứng cho các CSYT, vi phạm hợp đồng đã ký kết, đặc biệt đối với CSYT mua sắm với số lượng ít, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật liên tục danh sách các nhà sản xuất, nhà thầu cung ứng thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu, làm căn cứ để mời tham gia các gói thầu đấu thầu hạn chế.