Ảnh minh họa |
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa ra quyết định cấm thầu đối với Công ty CP Thiết bị y tế KLM trong 3 năm vì Nhà thầu có hành vi “làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu”. Tham dự Gói 2 Cung cấp dây nối bơm tiêm điện thuộc Dự toán Cung cấp hóa chất, vật tư tiêu hao y tế lần 5 năm 2024 của Bệnh viện Nhi Trung ương, Công ty CP Thiết bị y tế KLM kê khai Hợp đồng số 54/2021/BVK-KLM ký ngày 27/5/2021 và Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 27/5/2022 với Bệnh viện K. Ngày 29/8/2024, Nhà thầu đã cung cấp 7 hóa đơn giá trị gia tăng theo yêu cầu của Tổ chuyên gia để chứng minh tính xác thực của việc thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, khi tra cứu thì mã tra cứu hóa đơn điện tử là hóa đơn của đơn vị khác. Ngày 26/8/2024, Bệnh viện đã gửi công văn tới Bệnh viện K để xác minh và được xác nhận: “Bệnh viện K không thực hiện ký kết Hợp đồng cung cấp số 54/2021/BVK-KLM ngày 27/5/2021 và Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 27/5/2022 với Công ty CP Thiết bị y tế KLM”. Từ thông tin trên, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, Nhà thầu đã có hành vi gian lận trong đấu thầu quy định điểm a khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023, nên đánh giá Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và ra quyết định cấm thầu.
Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu còn vi phạm sau quá trình chấm thầu và ký kết hợp đồng. Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Thiên Kim không tiến hành hoàn thiện hợp đồng trị giá 7,026 tỷ đồng sau khi trúng Gói thầu Thuốc generic (gồm 245 mặt hàng) thuộc Dự toán Mua thuốc của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (đợt 4); Công ty CP Thương mại Y dược SKT từ chối đối chiếu tài liệu tại Gói thầu Thuốc generic thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vắc xin (vắc xin, sinh phẩm) thường xuyên (lần 3) năm 2024 phục vụ chuyên môn của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ…
Theo chia sẻ của cán bộ phụ trách đấu thầu một bệnh viện lớn tại TP. Đà Nẵng, so với thời điểm trước khi triển khai đấu thầu qua mạng, số nhà thầu vi phạm trong quá trình tham dự thầu tăng từ 10 - 20%. Nhiều nhà thầu có tâm lý cứ tham dự thầu mà không tiên lượng được khả năng cung ứng hàng khi trúng thầu nên khi trúng thầu thì từ chối ký hợp đồng hoặc xin dừng hợp đồng.
“Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nói riêng cũng như việc đáp ứng kịp thời vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện, bởi thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu nhanh nhất cũng phải mất từ 3 đến 4 tháng”, vị cán bộ này cho biết.
Một nguyên nhân nữa được nhiều ý kiến chỉ ra là do các chủ đầu tư còn nhân nhượng, chưa xử phạt nghiêm minh với những sai phạm của nhà thầu.
Cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của một bệnh viện tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi từng nhận được công văn của một bệnh viện khác trên cùng địa bàn đề nghị xác minh thông tin về việc có hay không có hợp đồng ký kết với nhà thầu A. Nhà thầu A kê khai hợp đồng với bệnh viện chúng tôi do giám đốc ký vào tháng 3/2021. Trên thực tế, vị giám đốc này đã mất từ tháng 12/2020. Do đó, chúng tôi xác nhận hợp đồng đó là không có thực. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư nọ chỉ đánh trượt nhà thầu gian lận hợp đồng tương tự mà không có bất cứ quyết định xử phạt nào”.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng các gói thầu chia nhiều phần/lô, đa số chủ đầu tư đều lựa chọn biện pháp xử lý là quyết định dừng hợp đồng cung ứng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng của phần/lô mà nhà thầu vi phạm. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho dù nhà thầu vi phạm một phần hay tất cả các phần thì đều bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng của cả hợp đồng và còn bị phạt hợp đồng (nếu có).
“Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm thực hiện từng phần trong hợp đồng, ngăn chặn tình trạng nhà thầu lạm dụng, coi nhẹ chế tài xử phạt vi phạm hợp đồng, sẵn sàng chấp nhận mất một khoản tiền nhỏ để không hoàn thành trách nhiệm cung cấp một vài mặt hàng tương ứng với phần đã trúng thầu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo lưu ý của một số chuyên gia đấu thầu, một trong những chế tài mới của Luật Đấu thầu năm 2023 là chủ đầu tư có trách nhiệm đăng tải công khai thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng, hay vi phạm uy tín khi tham dự thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Khi có lịch sử vi phạm uy tín dự thầu, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu với giá trị gấp 3 lần giá trị yêu cầu đối với gói thầu khác trong thời hạn 2 năm kể từ lần cuối cùng thực hiện hành vi vi phạm. Còn nhà thầu vi phạm hợp đồng (một phần hoặc cả hợp đồng) có thể mất cơ hội tham dự gói thầu mới khi chủ đầu tư của gói thầu đó quy định trong hồ sơ mời thầu là nhà thầu được đánh giá không đạt khi có lịch sử không hoàn thành hợp đồng.