Một số gói thầu yêu cầu nhà thầu trình diện nhân sự đề xuất tại hồ sơ dự thầu để kiểm tra. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Tháng 4/2024, tại một gói thầu mua thuốc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bên mời thầu gửi giấy mời các nhà thầu tham dự mang bản gốc tài liệu đến đối chiếu mà không có danh sách nhà thầu được xếp hạng. Một trong các nhà thầu bị đánh trượt vì lý do này cho biết, chi phí phải trả cho một nhân viên từ TP.HCM đến Tuyên Quang để đối chiếu tài liệu có thể lên đến 20 triệu đồng. Mặc dù Nhà thầu đã đề xuất gửi tài liệu qua đường bưu điện và nộp bảo đảm dự thầu qua chuyển khoản nhưng không được bên mời thầu chấp thuận.
“Mặc dù chúng tôi ở TP.HCM, nhưng có kho hàng tại Bắc Ninh. Nếu đề xuất đối chiếu tài liệu được chấp thuận và trúng thầu, chúng tôi có thể đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời”, đại diện Nhà thầu chia sẻ.
Tại Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông trên địa bàn TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Công ty CP Kỹ thuật Đông Phương đến đối chiếu tài liệu theo yêu cầu của Bên mời thầu, nhưng do nhân sự có việc về quê nên chưa thể mang giấy CMND bản gốc để đối chiếu, Nhà thầu xuất trình bản gốc giấy phép lái xe và bằng cấp của nhân sự này để đối chiếu trước và cam kết sẽ bổ sung CMND của nhân sự đó sau. Tuy nhiên, HSDT của Nhà thầu vẫn bị Bên mời thầu đánh giá “không đạt”.
Không chỉ yêu cầu đối chiếu tài liệu, một số bên mời thầu còn đòi hỏi “nhà thầu chuẩn bị bản gốc các hồ sơ và con người để trong trường hợp cần thiết bên mời thầu có thể yêu cầu trình diện nhân sự, hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu” như tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp và bảo trì, bảo dưỡng, vận hành âm thanh, ánh sáng năm 2023 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Trong khi đó, theo quy định pháp luật về đấu thầu, nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp một bộ tài liệu chứng minh tính hợp lệ của HSDT, năng lực và kinh nghiệm cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong HSDT..., trong đó có tài liệu chứng minh khả năng huy động nhân sự, thiết bị, bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự mà nhà thầu kê khai trong HSDT. Theo đó, không có quy định nào về việc nhà thầu phải trình diện nhân sự.
Cũng liên quan đến việc kiểm tra thông tin kê khai của nhà thầu thông qua việc đối chiếu, tại Gói thầu Mua sắm áo mưa và dù tặng khách hàng năm 2024 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Sài Gòn, HSMT yêu cầu nhà thầu phải nộp hàng mẫu trước 15h00 ngày 31/5/2024, sát thời điểm đóng thầu (9h ngày 1/6/2024), trong khi đây là gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng. Yêu cầu này khiến không ít nhà thầu bị “ngáng chân”.
Điều 26 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT nêu rõ: “HSMT không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu; trường hợp cần yêu cầu về hàng mẫu để đánh giá về kỹ thuật thì chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tờ trình phải nêu rõ lý do yêu cầu về hàng mẫu. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không dẫn đến làm tăng chi phí của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp HSMT có yêu cầu cung cấp hàng mẫu, nhà thầu có thể nộp bổ sung hàng mẫu trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời điểm đóng thầu”.
Theo chuyên gia đấu thầu, việc đối chiếu tài liệu là cần thiết để loại trừ những nhà thầu cố tình gian lận, khai khống để “làm đẹp” hồ sơ khi dự thầu. Tuy nhiên, bên mời thầu không thể tùy tiện lạm dụng yêu cầu đối chiếu tài liệu gốc khi chưa công bố danh sách xếp hạng nhà thầu, vì khi đó nhà thầu chưa biết mình có được xếp thứ nhất, có khả năng trúng thầu hay không.
Ngoài ra, bên mời thầu đánh đồng việc đối chiếu tài liệu với đối chiếu nhân sự cũng khiến cho nhà thầu gặp khó khăn, vì khi đó nhà thầu chưa chắc chắn về khả năng trúng thầu, tất cả mới chỉ là dự kiến. Nghị định số 24/2024/NĐ-CP còn cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu mà nhà thầu đã đề xuất trong HSDT, tối đa 1 lần trong một khoảng thời gian thích hợp (quy định này được kế thừa từ Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT).
Những yêu cầu bất hợp lý của bên mời thầu không chỉ cản trở, hạn chế nhà thầu tham dự, mà còn có thể đẩy nhà thầu vào tình thế thiệt hại không đáng có. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và chế tài xử nghiêm đối với những trường hợp bên mời thầu cố tình làm khó nhà thầu.