Gói thầu số 05 Thi công xây dựng Khu lưu niệm Sở chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang có dự toán 26.534.909.735 đồng, dự kiến đóng thầu ngày 8/2/2022. Ảnh minh họa: NC |
Gói thầu số 05 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Sở chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang, do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Toàn Tiến Phát Kiên Giang làm bên mời thầu (BMT). Gói thầu có dự toán 26.534.909.735 đồng, thời gian thực hiện là 360 ngày, dự kiến đóng thầu vào ngày 8/2/2022.
Thông tin đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, HSMT Gói thầu số 05 có những tiêu chí liên quan đến nhân sự chủ chốt và thiết bị không phù hợp với quy định.
Cụ thể, HSMT yêu cầu 7 nhân sự chủ chốt, bao gồm: chỉ huy trưởng công trình; 2 cán bộ kỹ thuật xây dựng chuyên ngành xây dựng dân dụng; 1 cán bộ kỹ thuật xây dựng chuyên ngành xây dựng giao thông; 1 cán bộ phụ trách phần điện; 1 cán bộ kỹ thuật phụ trách thanh quyết toán và 1 cán bộ phụ trách phần hạ tầng kỹ thuật. “Bất cập ở chỗ, HSMT yêu cầu 5/7 nhân sự chủ chốt phải có chứng chỉ hành nghề giám sát công trình dân dụng cấp III trở lên (còn hiệu lực đến thời điểm đóng thầu); có chứng chỉ hoặc chứng nhận an toàn lao động. Đây là gói thầu thi công xây dựng, việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề giám sát công trình xây dựng là không phù hợp. Bộ Xây dựng đã không còn quy định này từ nhiều năm nay. Việc HSMT yêu cầu nhiều chứng chỉ đối với nhân sự chủ chốt tại công trình xây dựng dân dụng là gây hạn chế cạnh tranh”, một nhà thầu cho biết.
Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH MTV Toàn Tấn Phát Kiên Giang cho biết: “Gói thầu phát hành HSMT từ ngày 19/1/2022, đến nay chưa ghi nhận văn bản đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu. Tuy nhiên, BMT sẽ rà soát lại nội dung của HSMT, đặc biệt đối với các tiêu chí về nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công chủ yếu”.
Bên cạnh đó, yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu cũng gây hoang mang cho nhiều nhà thầu quan tâm đến việc tham dự Gói thầu. Cụ thể, HSMT yêu cầu 15 loại thiết bị, với số lượng 30 cái. Tất cả các thiết bị này đều phải có tài liệu đi kèm, gồm: giấy kiểm định chất lượng còn hiệu lực, hóa đơn giá trị gia tăng hoặc chứng thư thẩm định giá.
Điều bất cập ở chỗ, HSMT yêu cầu giấy kiểm định chất lượng còn hiệu lực cũng như hóa đơn giá trị gia tăng hoặc chứng thư thẩm định giá đối với cả… cốp pha, giàn giáo, máy trộn bê tông, máy đầm dùi bê tông… “Đây là các thiết bị thuộc dạng đơn giản, không thuộc đối tượng phải cấp giấy kiểm định chất lượng. Đặc biệt, số lượng 500 cốp pha thép hoặc nhựa; 200 cặp giàn giáo phải cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của HSMT là phi lý”, Nhà thầu bức xúc.
Ngày 21/1/2022, trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH MTV Toàn Tấn Phát Kiên Giang cho biết: “Gói thầu phát hành HSMT từ ngày 19/1/2022, đến nay chưa ghi nhận văn bản đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu. Tuy nhiên, BMT sẽ rà soát lại nội dung của HSMT, đặc biệt đối với các tiêu chí về nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công chủ yếu”. Đồng thời, đại diện BMT khẳng định: “Sau khi rà soát và đối chiếu với các quy định hiện hành, BMT sẽ báo cáo Chủ đầu tư để nếu cần thiết điều chỉnh HSMT, gia hạn thời gian đóng thầu”.
Theo khảo sát, từ năm 2018 đến nay, Toàn Tấn Phát Kiên Giang được giao làm BMT 18 gói thầu, chủ yếu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Thời gian qua, một số gói thầu xây dựng dân dụng tại tỉnh Kiên Giang xuất hiện tình trạng HSMT đưa ra nhiều tiêu chí không phù hợp. Báo Đấu thầu đã phản ánh thực trạng: số lượng nhân sự chủ chốt; thiết bị thi công quá nhiều (không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu); yêu cầu quá nhiều chứng chỉ đối với nhân sự chủ chốt (gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu); bắt buộc tỷ lệ cố định sở hữu thiết bị của nhà thầu…