Ảnh Internet |
Trong một đợt ICO, các công ty sẽ tạo ra một đồng tiền số, sau đó bán nó cho các nhà đầu tư để nhận lại tiền mặt, hoặc phổ biến hơn là nhận lại Bitcoin hoặc Ethereum.
Mặc dù giới chức các nước ngày càng siết chặt hoạt động ICO, song theo hãng ngiên cứu công nghệ Blockchain Smith + Crown, số tiền thu được thông qua hình thức này vẫn tăng nhanh chóng mặt. Trong quý đầu năm nay, khoảng 6,6 tỷ USD vốn đã được huy động thông qua 217 đợt ICO, tăng 65% so với 3,9 tỷ USD đạt được ở quý cuối năm ngoái.
Công nghệ Blockchain đứng đằng sau các loại tiền số, đó là lí do vì sao ICO được thực hiện chủ yếu bởi các Startup Blockchain. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty khác đang đổ xô làm ICO, ngay cả khi các doanh nghiệp này không có hoặc không yêu cầu sử dụng Blockchain.
Theo The Wall Street Journal, khoảng 19% trong tổng 1.450 đợt ICO được khảo sát có chứa các yếu tố đáng ngờ như: “đạo văn tài liệu cung cấp cho nhà đầu tư, hứa hẹn về lợi nhuận, có nhóm điều hành dự án giả hoặc không có nhóm điều hành dự án.”
Dù có nhiều rủi ro liên quan đến việc mở bán và mua ICO, cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều có thể có được những khoản lợi lớn thông qua hình thức gọi vốn này. Một trong những thương vụ ICO thành công nhất là dự án Ethereum – đồng tiền số lớn thứ nhì hiện tại. Năm 2014, Ethereum đã bán được 60 triệu USD, huy động thành công 31.000 Bitcoin.
Hãng Mangrove Capital, nhà đầu tư sớm vào Skype, đã thực hiện phân tích chỉ ra rằng nếu một nhà đầu tư đã rót tiền một cách mù quáng vào mọi ICO mà anh ta thấy, kể cả phần lớn ICO thất bại, lợi nhuận thu về vẫn gấp 13,2 lần số tiền bỏ ra ban đầu. Mangrove không đưa ra số lượng ICO được xem xét trong nghiên cứu trên.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đang điều tra và đóng cửa các ICO. Tuần trước, cơ quan này đã tung ra một ICO giả có tên HoweyCoins nhằm giáo dục các nhà đầu tư về các dấu hiệu cảnh báo của một ICO nên tránh xa.