5 đồng tiền đang mất giá nhiều nhất

Không chỉ có Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhiều nền kinh tế mới nổi khác cũng đang đương đầu thách thức...

Tốc độ lao dốc chóng mặt của đồng Peso Argentina và đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường toàn cầu thời gian gần đây.

Nền kinh tế của hai quốc gia này đã trải biến động mạnh trong năm nay, dưới sức ép của nhiều yếu tố, bao gồm việc Mỹ nâng lãi suất, xung đột chính trị, và cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Theo trang CNN Money, không chỉ có Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhiều nền kinh tế mới nổi khác cũng đang đương đầu với những thách thức tương tự, đặc biệt là những quốc gia có sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ bên ngoài. Khi đồng nội tệ của các nước này giảm giá, giới đầu tư sẽ rút vốn mạnh, đẩy nền kinh tế vào một vòng xoáy bất ổn nguy hiểm.

Những diễn biến ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy giới đầu tư thoái lui khỏi các nền kinh tế mới nổi khác mà họ cho là dễ tổn thương. Hôm thứ Sáu, đồng Rupiah của Indonesia đã rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây 20 năm.

Dưới đây là 5 nền kinh tế mới nổi lớn đang chứng kiến đồng tiền bị bán tháo nhiều nhất:

1. Thổ Nhĩ Kỳ

Từ tháng 1 đến nay, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 40% so với đồng USD - Ảnh: Reuters.

Đồng Lira đang chịu áp lực lớn từ mâu thuẫn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, những chính sách kinh tế gây hoang mang của Ankara, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất. Từ tháng 1 đến nay, đồng tiền này đã mất giá hơn 40% so với đồng USD.

Trong những năm gần đây, nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách giảm chi phí vay vốn bằng cách vay những khoản vay ngoại tệ. Khi Mỹ nâng lãi suất, đồng Lira và đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi khác mất giá như một hệ quả tất yếu. Giới quan sát lo ngại rằng nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào cảnh vỡ nợ vì đồng Lira mất giá quá nhanh.

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang từng ngày, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại phản đối những lời kêu gọi nâng lãi suất. Quyền lực lớn của ông Erdogan trong nhiệm kỳ Tổng thông mới khiến sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi ngờ.

Tình hình xấu thêm khi Mỹ áp biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì nhiều mâu thuẫn giữa hai nước, trong đó có việc Ankara bắt giữ một mục sư người Mỹ.

Các nhà phân tích nói rằng thiệt hại đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được thể hiện qua các con số thống kê. Đồng nội tệ rớt giá chóng mặt khiến người dân và doanh nghiệp nước này bất ngờ cảm thấy mình nghèo đi, khiến tiêu dùng và đầu tư suy giảm.

"Không thể phủ nhận được sự thật rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào một sự suy giảm sâu", chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi Jason Tuvey thuộc Capital Economics nhận định.

2. Argentina

Đồng Peso của Argentina đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD từ đầu năm đến nay.

Khi tốc độ lao dốc của đồng Peso bị đẩy nhanh trong tuần này, Chính phủ Argentina đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đẩy nhanh việc giải ngân gói cứu trợ 50 tỷ USD đạt được hồi tháng 5.

Đồng Peso của Argentina đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD từ đầu năm đến nay - Ảnh: RTE.

Ngân hàng Trung ương Argentina ngày thứ Năm đã nâng lãi suất từ 45% lên 60% để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ, đồng thời tuyên bố sẽ giữ nguyên mức lãi suất này cho tới ít nhất tháng 12. Một số nhà phân tích cho rằng lãi suất của Argentina khó có chuyện giảm trước cuối năm 2019.

Tuy nhiên, động thái mạnh tay này vẫn chưa đủ để chặn đà giảm của đồng Peso.

Theo dữ liệu của Moody’s, gần 70% nợ chính phủ của Argentina là nợ ngoại tệ. Đồng Peso mất giá đồng nghĩa với khối nợ này trở nên khổng lồ hơn.

3. Ấn Độ

Đồng Rupee của Ấn Độ rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào hôm thứ Sáu, trong xu thế bị bán tháo nói chung của đồng tiền nhiều quốc gia mới nổi khác cùng ngày. Từ đầu năm đến nay, đồng Rupee đã mất giá khoảng 10%.

Dù kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh, đồng Rupee vẫn mất giá - Ảnh: Banking and Finance Post.

Nền kinh tế Ấn Độ hiện chưa có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng nào. Nước này hiện vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ đối mặt một số thách thức, trong đó sự phụ thuộc lớn vào nguồn dầu nhập khẩu khiến nước này dễ bị tổn thương khi giá dầu tăng.

Giá năng lượng đi lên đã đẩy lạm phát ở Ấn Độ vượt ngưỡng mà Ngân hàng Trung ương nước này (RBI) cho là an toàn.

Những yếu tố khác gây sức ép lên tỷ giá đồng Rupee còn có xung đột thương mại toàn cầu và FED tăng lãi suất.

4. Brazil

Từ tháng 1 đến nay, đồng Real đã mất giá 20% so với đồng USD - Ảnh: Yahoo.

Vấn đề chính trị gây áp lực giảm mạnh lên đồng Real của Brazil trong những tháng gần đây. Từ tháng 1 đến nay, đồng Real đã mất giá 20% so với đồng USD.

Giới đầu tư hiện đang lo ngại về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Brazil dự kiến diễn ra vào tháng 10. Họ hy vọng cử tri Brazil sẽ bầu ra được một nhà lãnh đạo có các chính sách thân thiện với kinh doanh để có thể thực thi những cải cách tài chính lớn như cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây lại cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Brazil dành cho các ứng cử viên cánh hữu, bao gồm nhà cựu lãnh đạo đang ngồi tù Luiz Inacio Lula da Silva.

"Sự thiếu vắng khả năng một ứng cử viên thân thiện kinh doanh giành chiến thắng sẽ gây sức ép lên giá các tài sản Brazil", ông Gustavo Rangel, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Mỹ Latin thuộc ngân hàng ING, nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Rangel, Ngân hàng Trung ương Brazil có dự trữ ngoại hối dồi dào để có thể ngăn đồng nội tệ giảm giá sâu hơn nếu cần thiết.

Hồi đầu năm, đồng Real đã chịu sức ép từ cuộc biểu tình toàn quốc của các tài xế xe tải. Cuộc biểu tình dẫn tới lạm phát tăng và gây gián đoạn tăng trưởng trong nền kinh tế Brazil.

5. Nga

Đồng Rúp Nga mất giá mạnh trong những tháng gần đây trong bối cảnh phương Tây siết trừng phạt Moscow. Từ đầu năm, Rúp đã mất giá 15% so với USD.

Mỹ và châu Âu đã trừng phạt Nga từ năm 2014, sau khi Nga bị cho là dính líu đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea. Năm nay, các biện pháp trừng phạt đối với Nga được bổ sung sau khi phương Tây cho rằng Moscow đứng sau vụ mưu sat bất thành một cựu điệp viên hai mang người Nga đang sống tại Anh.

Từ đầu năm, Rúp đã mất giá 15% so với USD - Ảnh: Moscow Times.

Ngoài ra, giống như nhiều quốc gia khác, Nga chịu ảnh hưởng bất lợi từ việc Mỹ áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu.

Các nhà đầu lo ngại Nga sẽ phải chịu thêm các biện pháp trừng phạt mới từ phương Tây trong thời gian tới, bao gồm các biện pháp nhằm vào các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga. Những tháng gần đây, Nga đã bán tháo mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ và tăng mua vàng dự trữ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng việc giá dầu hồi phục năm nay sẽ giúp Nga bù đắp phần lớn thiệt hại do sự giảm giá của đồng Rúp.

Tin cùng chuyên mục