Bản tin thời sự sáng 29/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM muốn tăng điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2024; Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon; Bộ Giao thông vận tải giải ngân số vốn kỷ lục; đề xuất làm đường ven sông nối Củ Chi với Cần Giờ…

TP.HCM muốn tăng điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2024

TP.HCM muốn bắn pháo hoa ở 8 điểm trong thời khắc giao thừa Tết Giáp Thìn 2024, tăng 2 vị trí so với năm ngoái.

Bắn pháo hoa tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức

Bắn pháo hoa tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức

Theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao rà soát quy định, nguồn kinh phí để tăng điểm bắn pháo hoa dịp Tết năm nay. Thành phố bắn pháo hoa tầm cao tại 2 điểm gồm đầu đường hầm sông Sài Gòn và tăng 1 điểm ở huyện Củ Chi và 5 - 6 điểm bắn tầm thấp.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM cho biết, đơn vị vừa nhận văn bản của UBND Thành phố và đang rà soát lại các điểm bắn để báo cáo Thành phố trước 8/1/2024.

Tết Quý Mão năm ngoái, sau 2 năm dừng do Covid-19, TP.HCM bắn pháo hoa đêm giao thừa ở 6 điểm, gồm 1 điểm bắn tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức). 5 điểm tầm thấp tại: Đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (TP Thủ Đức), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và Khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh. Pháo hoa được bắn trong 15 phút lúc 0h ngày 22/1 (mùng 1 Tết Quý Mão); kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Bắn pháo hoa là hoạt động thường xuyên vào dịp lễ lớn (30/4 và 2/9), Tết Dương lịch và Nguyên đán tại TP.HCM phục vụ người dân và du khách. Tết Dương lịch 2024, TP.HCM sẽ bắn pháo hoa chào mừng năm mới tại 2 điểm là đầu hầm vượt sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11) từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 1/1/2024.

Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon

Việt Nam vừa chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về gần 1.250 tỷ đồng.

Quảng Bình có diện tích che phủ rừng lên tới 68%

Quảng Bình có diện tích che phủ rừng lên tới 68%

Đây là thông tin mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Thủ tướng. Theo đó, số tín chỉ carbon thu được từ rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Trong giai đoạn một, nhà chức trách đã ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, trị giá 51,5 triệu USD (tương đương đơn giá 5 USD một tấn).

Đầu tháng 8, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt 1 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD, tương đương 249 tỷ đồng, sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề này.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh số tín chỉ đã bán, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ 1 (1/1/2018 - 31/12/2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2 (tương đương 16,21 triệu tín chỉ). Trong đó, lượng chuyển nhượng theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2.

Còn lại 5,91 triệu tấn CO2, WB muốn mua bổ sung 1 triệu tấn CO2. Còn 4,91 triệu tấn CO2, Bộ đang xin Chính phủ chấp thuận cho xây dựng phương án trao đổi, chuyển nhượng, thương mại để tạo nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ.

Bộ Giao thông vận tải giải ngân số vốn kỷ lục

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến năm 2023 giải ngân gần 90.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay, đạt 95% kế hoạch do Chính phủ giao.

Thi công hầm Thần Vũ trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh).

Thi công hầm Thần Vũ trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh).

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 sáng 28/12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 12, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.

Năm nay, Bộ được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. "Khối lượng giải ngân lớn là nhiệm vụ thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới khởi công, giải phóng mặt bằng còn chậm. Nguyên vật liệu, nguồn cát đắp thiếu hụt, thời tiết diễn biến bất thường", ông Thắng nói.

Năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, trong đó 18 dự án đường bộ, 2 dự án đường thủy, 3 dự án đường sắt; hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 475 km.

Để thúc đẩy giải ngân cho các dự án, Bộ đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thanh toán...

Các nhà thầu được yêu cầu bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Vì vậy, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

Năm 2024, Bộ GTVT đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; khởi công 19 dự án và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.

Ngành giao thông cũng đặt mục tiêu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đề xuất làm đường ven sông nối Củ Chi với Cần Giờ

Dự thảo Quy hoạch chung TP.HCM bổ sung đường ven sông nối Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài gần 70 km, giúp phát triển du lịch, khai thác quỹ đất tạo nguồn thu.

Đường ven sông Sài Gòn được đề xuất sẽ đi qua khu vực trung tâm thành phố

Đường ven sông Sài Gòn được đề xuất sẽ đi qua khu vực trung tâm thành phố

Nội dung được đơn vị tư vấn nêu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý lần ba về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

Đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung đường ven sông kết nối từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ với quy mô tối thiểu 4 làn xe kết hợp với làn dành riêng cho xe đạp và xe điện mặt đất (tramway) đoạn từ trung tâm thành phố đi Củ Chi.

Theo đơn vị đề xuất, tuyến sẽ tạo trục giao thông mới ven sông kết nối giao thông, chia sẻ áp lực với các trục chính theo hướng Bắc - Nam. Từ đường này, Thành phố sẽ khai thác các quỹ đất ven sông tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, phục vụ tái đầu tư, phát triển.

Tuyến đường sẽ chia làm 6 đoạn, bắt đầu từ cầu Cần Giờ đi dọc qua các điểm như cầu Phú Mỹ, cầu Khánh Hội, đường Tôn Đức Thắng cầu Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 3, cầu Bến Súc và DT 789 ở Củ Chi. Trong đó, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Vành đai 3, ở phía Tây bờ sông sẽ dành cho xe đạp, đi bộ, tách rời đường chính.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, quan điểm của ngành giao thông Thành phố là phải có đường ven sông kết nối đến tận Củ Chi và Tây Ninh; nghiên cứu các tuyến tramway đến Củ Chi để phát triển khu vực này.

Tạm hoãn xuất cảnh Giám đốc Công ty Sông Đà - Thăng Long

Ông Vũ Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Sông Đà - Thăng Long, bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.

Dự án Usilk City (Hà Đông) bỏ hoang cả chục năm

Dự án Usilk City (Hà Đông) bỏ hoang cả chục năm

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Tiến Dũng, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sông Đà - Thăng Long.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội để thông báo, đề nghị phối hợp cung cấp thông tin trong trường hợp Công ty CP Sông Đà - Thăng Long thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Trước đó, Cục Thuế TP. Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Sông Đà - Thăng Long.

Công ty CP Sông Đà - Thăng Long (mã chứng khoán STL) thành lập từ ngày 5/12/2006, tiền thân là công ty thuộc Tổng công ty Sông Đà.

Doanh nghiệp này là Chủ đầu tư Dự án Usilk City ở quận Hà Đông. Dự án khởi công xây dựng từ năm 2008 trên tổng diện tích hơn 92.000 m2, tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng. Theo quy hoạch được duyệt, Dự án chia thành 4 cụm công trình CT1, CT2, CT3 và CT4 với 9 khối nhà chung cư cao 25 - 50 tầng, với 2.700 căn hộ.

Chủ đầu tư Dự án dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2013. Trong thời gian từ năm 2009 - 2012, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán căn hộ cho gần 2.000 khách hàng, thu về hàng nghìn tỷ đồng…

Đến nay, qua hơn 1 thập kỷ, "thành phố Usilk" trong mơ vẫn chỉ là khối bê tông trơ thép hoen gỉ.

Cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ bị huỷ niêm yết bắt buộc

Hiện cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ đang nằm trong diện kiểm soát và bị đình chỉ giao dịch do vi phạm công bố thông tin.

Cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ bị huỷ niêm yết bắt buộc

Cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ bị huỷ niêm yết bắt buộc

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố thông tin về việc huỷ bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (HoSE: TTB).

Thông báo nêu rõ, hiện cổ phiếu TTB đang trong các diện theo dõi vi phạm bao gồm đình chỉ giao dịch, do tổ chức niêm yết tiêp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế. Đến nay, TTB chưa khắc phục được nguyên nhân đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch.

Đồng thời, Công ty cũng bị kiểm soát do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 30 ngày so với thời gian quy định.

Thông báo nêu rõ, đến nay, Tập đoàn Tiến Bộ chưa công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023. Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Theo đó, HoSE quyết định sẽ huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TTB trong thời gian tới, thời gian huỷ niêm yết cụ thể chưa được ấn định.

Trước đó, Tập đoàn Tiến Bộ cũng mới bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 260 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin.

Cụ thể, Công ty bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật đối với Báo cáo tài chính kiểm bán niên năm 2023 đã được soát xét. Đồng thời, Công ty còn bị phạt 175 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch về khoản mục tổng tài sản, khoản mục lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và các nội dung khác.

Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 4 bị can thuộc tập đoàn này.

TP.HCM sẽ mua hoa Tết bị ế của tiểu thương

Sở Du lịch TP.HCM và Quận 8 sẽ thí điểm mua hoa Tết bị ế của tiểu thương tại bến Bình Đông để tránh cảnh đập hoa và chia sẻ khó khăn với người bán.

Ghe chở mai kiểng từ Bến Tre lên bến Bình Đông, Quận 8, bán dịp Tết

Ghe chở mai kiểng từ Bến Tre lên bến Bình Đông, Quận 8, bán dịp Tết

Thông tin được ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, chiều 28/12. Hoa được thu mua sẽ dùng trang trí đường hoa xuân nghĩa tình ở bến Bình Đông, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Theo ông Hòa, hiện Sở Du lịch và địa phương vận động kinh phí. Dự kiến, vào ngày 30 tháng Chạp, UBND Quận 8 và Mặt trận tổ quốc Quận làm việc với các chủ ghe đưa hoa lên bán dịp Tết để thống nhất số lượng, giá cả.

"Việc mua hoa sẽ được trải đều cho tất cả chủ ghe có mặt vào ngày tất niên", ông Hòa nói. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, việc này giúp chia sẻ một phần khó khăn với các tiểu thương và hạn chế cảnh đập bỏ hoa ế, gây phản cảm. Nếu cách làm này hiệu quả, từ năm sau sở sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác.

Chợ hoa Tết trên bến Bình Đông họp ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Quận 8. Đa số ghe thuyền ở đây đều đến từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp... Các mặt hàng chủ yếu là hoa, cây kiểng dùng để trang trí trong Tết.

Ngoài khu vực bến Bình Đông, dịp gần Tết ở TP.HCM còn tổ chức nhiều chợ hoa. Vào trưa 30 tháng Chạp, các chợ thường diễn ra tình cảnh hoa bán không hết, tiểu thương đập bỏ hoa, cho xe rác dọn do không muốn bị ép giá, bán rẻ.

Cảng Nha Trang tạm dừng đón tàu khách nội địa 6 tháng

Để nâng cấp sửa chữa, trong 6 tháng, cảng Nha Trang (Khánh Hoà) sẽ không tiếp nhận tàu khách nội địa, chỉ đón tàu khách quốc tế.

Cảng Nha Trang sẽ được sửa chữa trong 6 tháng

Cảng Nha Trang sẽ được sửa chữa trong 6 tháng

Ngày 28/12, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, địa phương vừa có văn bản thống nhất về việc tạm dừng hoạt động cảng Nha Trang.

Trong quá trình sửa chữa, cảng sẽ không đón tàu khách nội địa, nên địa phương cần thông tin đến các đơn vị du lịch có liên quan đến loại tàu này để xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp trong thời gian tạm dừng. Còn tàu khách du lịch quốc tế vẫn sẽ được tiếp nhận.

Quá trình sửa chữa, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang phối hợp với Công ty CP Cảng Nha Trang cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường tại khu vực cảng để thực hiện việc đón, trả khách quốc tế bằng phương tiện thủy trung chuyển (tender) được thuận lợi, an toàn trong thời gian duy tu, bảo dưỡng.

Được biết, cảng Nha Trang được hình thành trên cơ sở tiếp nhận hạng mục của chế độ cũ trước năm 1975 để lại. Thời điểm này, chỉ cho phép tàu dưới 3.000 DWT (đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu) cập cảng làm hàng. Sau này, địa phương vay vốn tín dụng trong nước để nâng cấp cầu cảng lên 10.000 DWT với chiều dài 172 m.

Theo Công ty CP Cảng Nha Trang, với mục tiêu ban đầu là cảng bốc xếp hàng hóa nay đã chuyển công năng thành cảng du lịch quốc tế, vì vậy hạ tầng cơ sở không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Do đó, Công ty đã đưa ra kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng cảng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.