Giáo sư Hà Tôn Vinh |
Theo GS. Hà Tôn Vinh, nền kinh tế Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đã vượt lên từ quyết tâm đổi mới và Việt Nam đang hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho một dấu mốc thay đổi lớn. Ở đó có cơ hội cho những chủ thể nhận diện thời cuộc và chuyển biến chính mình…
Như ông vừa nói, nền kinh tế Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đã vượt lên từ quyết tâm thay đổi, vậy ở đó có bài học nào cho Việt Nam?
Khi Tổng thống Park Chung Hee của Hàn Quốc lên nắm quyền vào năm 1961, thu nhập bình quân đầu người tại xứ sở Kim Chi khoảng 80 USD/năm. Trong thời gian đó, kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài, chủ yếu là từ Hoa Kỳ. Chính quyền của Park Chung Hee quyết tâm phục hồi kinh tế và đề ra kế hoạch phát triển đất nước trong 5 năm. Điểm nổi bật nhất của kế hoạch 5 năm là yêu cầu toàn dân “thắt lưng buộc bụng”, tập trung làm ra của cải, vật chất với mục tiêu 10 năm sau đó tạo được một nền kinh tế đứng đầu Đông Á và 20 năm sau trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Tổng thống cam kết xử lý nghiêm minh bất cứ ai ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng. Kế hoạch của Park Chung Hee đã thúc đẩy phát triển tài nguyên quốc gia, biến Hàn Quốc từ một nước thuần nông nghiệp thành một nước công nghiệp tự cung tự chủ. Từ dấu ấn thay đổi này, kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc, sở hữu nền công nghiệp hiện đại với nhiều tập đoàn toàn cầu như Samsung, Hyundai, LG, SK… và đứng trong TOP 10 thế giới.
Tại Nhật Bản, khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, nền kinh tế ở tình trạng khủng hoảng, thiếu năng lượng, lạm phát, thất nghiệp… là những gánh nặng của Chính phủ. Nước Nhật quyết tâm cải cách và một trong những chìa khóa giúp đất nước Mặt Trời mọc vươn lên chính là tinh thần “Kaizen”, có nghĩa “thay đổi để tốt hơn”. Kaizen được áp dụng tại rất nhiều doanh nghiệp, phát huy nhân tố con người trong sáng tạo, cải tiến hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí hoạt động. Hàng Nhật dần trở nên tốt nhất thế giới và nước Nhật từ những đổ nát sau chiến tranh, đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới trong nhiều thập niên.
Tại Singapore, người dân nơi đây dành sự quý trọng đặc biệt với Thủ tướng Lý Quang Diệu không chỉ bởi ông là Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore độc lập mà còn bởi quyết sách lãnh đạo của ông đã tạo nên một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, một xã hội hiện đại, văn minh. Xuyên suốt trong chính sách của Lý Quang Diệu và sau này các thế hệ lãnh đạo vẫn theo đuổi là trọng dụng nhân tài. Singapore thu hút nhân tài và tạo những điều kiện thuận lợi để họ làm việc, định cư lâu dài. Cùng với đó, quốc đảo Singapore xây dựng văn hóa liêm khiết, trách nhiệm với người dân của bộ máy chính quyền, khiến nơi đây được vinh danh là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới…
Sự phát triển của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore cho thấy, mỗi quốc gia có một cách làm riêng, nhưng đều phải xuất phát từ quyết tâm thay đổi từ người đứng đầu với khát vọng bứt phá. Đây vừa là kinh nghiệm, vừa là bài học cho đất nước chúng ta.
Tại Việt Nam, người dân đang hướng đến một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm. Về phần mình, ông cảm nhận thế nào về câu chuyện từ Việt Nam?
Tháng 9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác từ Việt Nam thăm Hoa Kỳ, tôi có lắng nghe Tổng Bí thư nói về một khởi điểm lịch sử mới: Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng, Tổng bí thư đã phất cờ rất đúng, rất trúng thời điểm. Năm 1945, Việt Nam làm nên Kỷ nguyên độc lập; năm 1975, nước ta có Kỷ nguyên thống nhất đất nước; năm 1986 có Kỷ nguyên Đổi mới và đến nay, sau gần 40 năm Đổi mới, quy mô nền kinh tế nước ta đã ở vị trí thứ 33 thế giới, xứng đáng xác định một khởi điểm lịch sử mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi tin dấu mốc Tổng Bí thư nêu lên hôm nay sẽ mở ra vận hội mới cho người dân, cho đất nước và chúng ta sẽ được chứng kiến sự thay đổi lớn lao trong tương lai không xa.
Thực tế, không chỉ người Việt Nam sẵn sàng mà thế giới cũng sẵn sàng cho một khởi điểm vươn tầm cùng Việt Nam. Tôi làm tư vấn cho nhiều công ty, tổ chức quốc tế trong quá trình chọn lựa đầu tư, nhưng tôi đã thực sự xúc động khi chứng kiến dấu mốc của NVIDIA - một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới - chọn đầu tư vào Việt Nam, chọn nơi đây là “quê hương thứ hai”.
Nhiều năm qua, tôi đã quan sát và luôn đánh giá cao tầm nhìn chiến lược trong việc mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam, nhất là những nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong việc mời gọi nhà đầu tư quốc tế. Nước ta cũng đã đón nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đặt “đại bản doanh” để phát triển chuỗi sản xuất, nhưng bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang và sẽ buộc chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, tiến nhanh hơn nữa để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chọn Việt Nam, thay vì chọn một nơi khác trên thế giới. Khi Việt Nam - từ bên trong - chủ động và quyết tâm đổi mới cộng với nguồn lực quốc tế hội tụ, nên kinh tế nước ta chắc chắn sẽ bứt phá, vươn tầm.
Ảnh: Tiên Giang |
Với doanh nghiệp Việt Nam, năm 2024, ghi nhận 230.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng đồng thời có tới gần 200.000 doanh nghiệp giải thể, rời khỏi thương trường. Những con số này phải chăng biểu trưng cho tinh thần khởi nghiệp cao và dám thay đổi của người trẻ Việt Nam, thưa Giáo sư?
Thực ra, đã gọi là thương trường thì việc doanh nghiệp mở ra, đóng lại là diễn biến bình thường. Tuy nhiên, cá nhân tôi luôn khuyên các bạn trẻ: đừng bao giờ khởi nghiệp khi chưa có gì trong tay. Khi lập doanh nghiệp, ai cũng muốn doanh nghiệp của mình tồn tại, phát triển, tiến tới phát triển bền vững, nhưng đó là khát vọng không dễ dàng. Ở Việt Nam, chúng ta có phong trào khởi nghiệp, nhưng tôi cho rằng, đây là việc nên xem xét lại. Khi chưa có sản phẩm, thị trường, vốn, mạng lưới gì đáng kể, việc khởi nghiệp rất dễ dẫn đến thất bại. Mất mát không chỉ là tài sản, nguồn lực đầu tư, mà còn làm nhụt ý chí, làm mất niềm tin của người trẻ.
Tôi đồng ý rằng, thế giới có những câu chuyện khởi nghiệp thành công, truyền cảm hứng cho người trẻ, chẳng hạn chuyện về 6 vị tỷ phú Trung Quốc như Zhang Yiming (người sáng lập TikTok), Jack Ma (sáng lập nền tảng thương mại điện tử)… đã trở nên giàu có trong thời kỳ Covid-19 như thế nào. Họ biết cách tận dụng cơ hội từ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và nhu cầu thị trường, từ đó gia tăng tài sản của mình, nhưng đó là những giai đoạn đặc biệt, cơ hội vô cùng hiếm hoi đến với những người hiếm hoi nhận ra và đủ năng lực hành động. Cá nhân tôi cũng phải trải qua nhiều thất bại, học nhiều bài học thực tế mới biết rằng, không phải điều gì muốn cũng làm được. Từ ý tưởng đến thành công là những chặng đường đầy chông gai và rất hiếm hoa hồng.
Theo tôi, người trẻ, tốt nhất hãy khởi nghiệp từ việc làm thuê và cố gắng học được 4 bài học: tại sao người ta thành công; tại sao người ta thất bại; tại sao người ta thành công rồi thất bại; tại sao người ta thất bại rồi thành công, sau đó hãy khởi nghiệp. Làm gì cũng quý, nhưng quan trọng nhất là phải tồn tại được rồi mới đến phát triển, tạo ra giá trị thực cho mình và cho cộng đồng.
Giáo sư Hà Tôn Vinh chụp hình cùng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (thời trẻ). Giáo sư làm việc tại nhiều quốc gia, nhưng luôn tự hào mình là người Việt Nam, tự hào đất nước mình đẹp đẽ, thanh bình, rất dễ sống và giàu cơ hội phát triển |
Có nhiều điểm cộng trước khởi điểm lịch sử mới, nhưng thực tế chúng ta đang sống trong một thế giới với những biến đổi ngày càng nhanh chóng, khó lường. Vậy đâu là những việc nên tập trung làm tốt trong bối cảnh này, thưa Giáo sư?
Trước hết chúng ta phải nhìn thấy rằng, công nghệ đã làm thay đổi thế giới và sẽ dẫn dắt sự phát triển của thế giới. Thực tế này buộc chúng ta đứng trước một câu hỏi: chúng ta nên làm gì? Nên thuận theo hay chấp nhận bị bỏ lại phía sau? Để thuận theo, chúng ta phải thay đổi, phải làm mới, không còn cách nào khác.
Tôi thường hay kể cho các học viên câu chuyện về Kodak và General Electric (GE). Ai cũng biết, Kodak từng là công ty lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh, nhưng lại chậm chân trong việc nhận ra xu hướng thị trường và không kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phim sang kỹ thuật số. Năm 2012, Kodak tuyên bố phá sản, kết thúc của một kỷ nguyên trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Đây là một ví dụ điển hình về việc một công ty lớn phải chấp nhận thất bại do không kịp thời thích ứng với thay đổi của công nghệ và thị trường.
GE bắt đầu bằng việc sản xuất từ bóng đèn sợi đốt, đến lò vi sóng đến động cơ máy bay, đã vươn lên thành tập đoàn có quy mô lớn thứ 6 tại Hoa Kỳ vào năm 2011. Vào thời kỳ hoàng kim, Tập đoàn được lãnh đạo bởi ông Jack Welch, người nổi tiếng với thông điệp: “GE đã không làm thì thôi, làm là phải nhất, không nhất thì phải nhì, không bao giờ đứng thứ ba”. Chính tinh thần ấy đã tạo nên một GE phát triển mạnh mẽ và đẳng cấp. Đó là điều chúng ta đáng học khi nghĩ về một khởi điểm lịch sử mới của đất nước, của chính mình.
Theo tôi, công nghệ và ngôn ngữ quốc tế, nhất là tiếng Anh, là 2 điểm tối thiểu chúng ta cần tập trung làm tốt và làm chủ để có cơ hội bứt phá trong bối cảnh toàn cầu.
Sau nhiều năm làm việc tại Mỹ và nhiều quốc gia, ông cảm nhận như thế nào về sự chọn lựa của nhà đầu tư quốc tế và tương lai Việt Nam?
Tôi có thói quen mỗi khi về tới Việt Nam, việc đầu tiên là tôi đi ăn phở (cười). Bạn biết vì sao không? Ở Mỹ, tôi muốn ăn 1 bát phở, tôi phải trả 15 - 20 USD, thêm ly café hay một chai nước và tiền thuế, tổng cộng hết ít nhất 30 - 35 USD, gấp nhiều lần chi phí tại Việt Nam. Đó chỉ là 1 minh chứng cho thấy, Việt Nam rất hấp dẫn và không phải ngẫu nhiên, nhiều tập đoàn lớn chọn đến nước mình. Họ đã trải nghiệm môi trường sống, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ rất thực tế, thực dụng trong các quyết định chọn lựa của mình.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn Việt Nam là một thuận lợi, nhưng để họ thực sự đầu tư tại Việt Nam, ở lại cùng phát triển với đất nước mình, đòi hỏi chúng ta phải có một khung pháp lý theo chuẩn quốc tế, để nhà đầu tư hiểu rằng, họ được bảo vệ; một hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, chi phí hợp lý; một nền hành chính cởi mở, thân thiện và một nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư…
Tôi đã sống ở Mỹ 50 năm, nhưng chưa bao giờ ngừng kết nối với quê hương, đất nước mình. Đi đâu, làm việc ở quốc gia nào tôi cũng luôn tự hào mình là người Việt Nam, tự hào đất nước mình đẹp đẽ, thanh bình, rất dễ sống và giàu cơ hội phát triển. Trong việc kết nối mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, tôi rất vui khi mới đây được nhận thư của Tổng thống Donald Trump chúc mừng và cảm ơn Giáo sư Hà Tôn Vinh khi có hơn 40 năm cống hiến cho Hoa Kỳ và quan hệ Việt - Mỹ. Tôi mong trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, tôi sẽ được nhận thư khen lần nữa (cười).
Trong bối cảnh hiện nay, tôi thấy điều đáng mừng nhất là Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra một khởi điểm lịch sử mới và phất lên ngọn cờ thay đổi để bứt phá, làm cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chắc chắn tới đây sẽ là những bước đường không dễ dàng khi Việt Nam phải thực hiện tinh giảm bộ máy, phải tái cấu trúc các nguồn lực, các ngành kinh tế, phải xây dựng lực lượng sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới phù hợp với xu thế thời đại, nhưng chúng ta có thực lực của một quốc gia giàu đẹp, dân số trẻ, thông minh, có niềm tin, có khát vọng, chỉ cần chọn đúng con đường, đích đến sẽ mở ra.
(*) Giáo sư Hà Tôn Vinh có nhiều năm làm chuyên gia tài chính cơ sở hạ tầng và kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới. Trong gần 30 năm qua, ông tham gia giảng dạy Cao học Quản trị Kinh doanh tại Đại học Tổng hợp Hawaii, Đại học California Miramar Hoa Kỳ và Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã đến và làm việc tại hơn 90 quốc gia trên toàn cầu.