Bên trong căn cứ oanh tạc cơ chiến lược Nga

Những máy bay ném bom tối tân của Nga tham gia biểu diễn trong ngày triển lãm tại căn cứ không quân chiến lược Engels.
Bên trong căn cứ oanh tạc cơ chiến lược Nga

Căn cứ không quân Engels hôm 19/8 mở cửa đón khách tham quan lần đầu tiên trong vòng ba năm. Những máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tu-95MSM, Tu-160 đều tham gia trưng bày và bay biểu diễn trong ngày triển lãm này, Livejournal đưa tin.

Engels là nơi đóng quân duy nhất của phi đội Tu-160 "Thiên nga trắng" của không quân Nga. Căn cứ này nằm cách thành phố Saratov khoảng 14 km về phía đông, với một đường băng dài tới 3.500 m.

Ngoài phi đội 16 chiếc Tu-160, căn cứ Engels còn vận hành hàng chục máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-22M3.

Màn trình diễn trên không tại Engels bắt đầu với động tác cất cánh và nghiêng cánh chào của chiếc Tu-95MSM, một trong những oanh tạc cơ hiện đại nhất trong biên chế không quân Nga.

Tupolev Tu-95 (NATO định danh: Bear) là một trong những oanh tạc cơ thành công nhất trong lịch sử hàng không Liên Xô và Nga, được biên chế và hoạt động liên tục tới 61 năm với nhiều biến thể thực hiện các vai trò khác nhau.

Nhiệm vụ ban đầu của Tu-95 là thả bom hạt nhân không điều khiển. Trong quá trình vận hành, Liên Xô và Nga liên tục cho ra đời các biến thể mới như máy bay phóng tên lửa hành trình Tu-95MS/MSM, trinh sát và chỉ thị mục tiêu hàng hải Tu-95RT, tuần thám biển Tu-142, thậm chí là máy bay dân dụng Tu-114. Phiên bản cảnh báo sớm và chỉ huy trên không Tu-126 cũng được phát triển từ nền tảng Tu-114. Bom Sa hoàng (Tsar Bomba), vũ khí hạt nhân mạnh nhất lịch sử thế giới, được thả từ một chiếc Tu-95V vào ngày 30/10/1961.

Trong khi đó, máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 (NATO định danh: Blackjack) được thiết kế bởi Viện Tupolev (OKB-156) và chế tạo tại nhà máy Kazan-Gorbunov trong giai đoạn 1980-1992. Tu-160 có biệt danh "Thiên nga trắng" nhờ lớp sơn sáng màu có thể phản xạ tia bức xạ và khả năng cơ động hiếm có đối với máy bay ném bom.

Nhiệm vụ của Tu-160 là triển khai vũ khí hạt nhân và thông thường từ khoảng cách lớn. Máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và ở mọi khu vực trên thế giới. Tu-160 có tốc độ tối đa 2.220 km/h, tầm bay không cần tiếp dầu là 12.300 km và bán kính chiến đấu 7.300 km.

Vũ khí chính của Tu-160 là hai bệ phóng dạng ổ quay, mang được tối đa 40 tấn vũ khí, bao gồm 12 tên lửa hành trình Kh-101 tầm bắn 1.500-2.500 km hoặc tên lửa hạt nhân Kh-15 tầm bắn 300 km.

Một máy bay Polikarpov Po-2 cũng biểu diễn nhiều động tác cơ động, trong đó có bài bổ nhào ngay trước mặt đám đông khiến nhiều khán giả thót tim. Đây là một trong những loại máy bay cánh kép được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử Liên Xô.

Những chiếc Tu-95MSM và Tu-160 trở về khu đỗ bên cạnh dàn oanh tạc cơ chiến lược và chiến thuật tại căn cứ Engels.

Khách tham quan căn cứ có thể tiếp cận và trèo cả lên cửa hút gió động cơ của chiếc Tu-160.

Không quân Nga thường mở cửa các căn cứ để thu hút niềm đam mê hàng không, cũng như tạo cảm hứng cho giới trẻ.

Tin cùng chuyên mục