Một chủ đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại tư cách của nhà thầu kiến nghị khi nhà thầu này nhờ các mối quan hệ tác động và tìm cách tặng quà cho chủ đầu tư |
Bên mời thầu chấp nhận bị nhà thầu đánh
Việc nhân viên nhà thầu đi mua hồ sơ mời thầu (HSMT) bị “dân anh chị”, “xã hội đen” ở địa phương dọa dẫm, thậm chí đánh đập để buộc phải từ bỏ tham gia cuộc thầu đã có chủ (từ bỏ mua HSMT, tước đoạt giấy giới thiệu mua HSMT hoặc HSMT vừa mua được, tước đoạt hồ sơ dự thầu - HSDT) vẫn là chuyện xảy ra tại không ít cuộc thầu. Tuy nhiên, cách đây không lâu, Báo Đấu thầu đã tiếp nhận phản ánh về một cuộc thầu mà do quá bức xúc vì không mua được hồ sơ, các nhà thầu đã đánh cán bộ bán HSMT của bên mời thầu ở tỉnh Quảng Nam.
Theo lời kể của các nhà thầu thì gói thầu nêu trên phát hành hồ sơ vào đúng dịp nghỉ lễ dài ngày. Những ngày ít ỏi còn lại, nhân viên phát hành hồ sơ lại không trực bán nên dù thông báo mời thầu 2 nơi (cách nhau khoảng 30 km), các nhà thầu vẫn không thể mua được HSMT. Vì quá bức xúc nên chiều ngày làm việc cuối cùng trước ngày diễn ra lễ mở thầu, các nhà thầu đã đánh cán bộ bán HSMT – cũng là đại diện cao nhất của bên mời thầu.
Qua trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện bên mời thầu thừa nhận toàn bộ sự việc nêu trên và khẳng định sẽ rút kinh nghiệm cho các gói thầu tiếp theo. Được hỏi về phản ứng của bên mời thầu khi bị các nhà thầu xông vào đánh, đại diện bên mời thầu chia sẻ chỉ biết “cúi đầu chấp nhận” và không có ý định “thưa kiện” nhà thầu.
Bên mời thầu “hồn nhiên” vi phạm
Hiện nay, pháp luật đã có những quy định hết sức cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên khi tham gia hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng bên mời thầu có các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu vẫn rất phổ biến. Nhiều bên mời thầu đưa ra những lý do để giải thích, biện minh cho hành vi sai phạm của mình rất hồn nhiên như: vì quên nên không công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; do máy photocopy hỏng nên không kịp chuẩn bị HSMT… Còn trước những bằng chứng không thể chối cãi về việc bên mời thầu nhiều ngày né tránh, đùn đẩy không bán HSMT cho nhà thầu thì “giải pháp” phổ biến được đưa ra là “rút kinh nghiệm” cho các gói thầu tiếp theo.
Vừa kiến nghị, vừa gửi quà cho chủ đầu tư
Trong năm 2017, Báo Đấu thầu cũng đã tiếp nhận việc 1 chủ đầu tư ở tỉnh Khánh Hòa phản ánh, trong quá trình kiến nghị kết quả đánh giá HSDT, nhà thầu đã sử dụng nhiều mối quan hệ tác động để gửi quà cho chủ đầu tư nhằm mục đích thắng thầu. Việc nhà thầu “kiện” chủ đầu tư lên các cấp chính quyền, cơ quan chức năng là chuyện không mới, nhưng việc chủ đầu tư “tố ngược” nhà thầu thì không phải là nhiều.
Theo phản ánh của chủ đầu tư tới Báo Đấu thầu, sau 3 lần kiến nghị của nhà thầu xếp hạng nhì (sau khi đánh giá HSDT), cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đã không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu do chủ đầu tư này đề xuất với lý do nhà thầu được lựa chọn chưa đủ điều kiện về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định. Sau đó, chủ đầu tư đã hủy kết quả lựa chọn nhà thầu và tiến hành đánh giá lại các HSDT. Tuy nhiên, kết quả đánh giá lại của chủ đầu tư vẫn đúng với kết quả ban đầu. Và điều đáng chú ý là trong lần kiến nghị thứ 4, nhà thầu kiến nghị đã nhờ các mối quan hệ tác động và tìm cách tặng quà cho chủ đầu tư. Qua đó, chủ đầu tư này đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại tư cách của nhà thầu kiến nghị.
Chủ đầu tư “dở khóc dở mếu” vì nhà thầu phụ
Đây là câu chuyện của 1 chủ đầu tư ở Quảng Bình. Sau khi trúng thầu, nhà thầu chính bất ngờ đề xuất sử dụng thầu phụ nằm ngoài danh sách nhà thầu phụ đã kê khai trong HSDT, khiến cho chủ đầu tư rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, “dở khóc dở mếu” vì đây là gói thầu sử dụng vốn ODA, lại sắp hết thời gian vay vốn theo hiệp định.
Gói thầu này có quy mô hơn chục triệu Euro, tổ chức lựa chọn nhà thầu vào cuối năm 2015. Đầu năm 2017, khi đang trong thời gian triển khai, nhà thầu chính trúng thầu bất ngờ đề xuất nhà thầu phụ xây dựng dân dụng nằm ngoài danh sách 3 thầu phụ có tên trong HSDT của nhà thầu chính vào thực hiện gói thầu. Điều đáng nói là nhà thầu phụ này lại đảm nhận tới 40% giá trị gói thầu và có sự đồng ý của nhà tài trợ. Mặc dù chủ đầu tư biết, nhà thầu chính đã không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà thầu phụ theo quy định, cũng chưa cung cấp hồ sơ năng lực của nhà thầu phụ cho chủ đầu tư, nhưng do yêu cầu của nhà tài trợ và cam kết của nhà thầu chính là chịu trách nhiệm về công việc của thầu phụ nên chủ đầu tư “tiến thoái lưỡng nan”, không đành “thay ngựa giữa dòng”.
Nhà thầu trúng thầu sau kiến nghị
Báo Đấu thầu đã có không ít bài viết phản ánh về việc vì sao kiến nghị của nhà thầu đi vào ngõ cụt, vì sao nhà thầu kiến nghị vượt cấp, “liều thuốc” nào để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà thầu kiến nghị kéo dài?… Thực tế đấu thầu thời gian qua cho thấy, nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm pháp luật về đấu thầu, tìm cách tước đoạt quyền lợi chính đáng của nhà thầu trong các cuộc thầu. Mặc dù chế tài, quy định của pháp luật đã có đầy đủ nhưng nhiều cơ quan được giao trách nhiệm xử lý kiến nghị trong đấu thầu vẫn không xử lý nghiêm các vi phạm, hoặc nếu có thì xử lý một cách hình thức, chiếu lệ. Vì thế, rất nhiều kiến nghị của nhà thầu không được giải quyết thỏa đáng, những vấn đề gốc rễ của hành vi vi phạm về đấu thầu không được giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, một điều đáng mừng là ngoài những phản hồi tiêu cực nêu trên thì trong năm 2017, Báo Đấu thầu đã tiếp nhận không ít những phản hồi tích cực từ phía các nhà thầu. Đáng chú ý là sự việc một nhà thầu kiên trì đeo bám kiến nghị đã trúng thầu. Câu chuyện này trên thực tế dù xảy ra không nhiều nhưng là hạt giống quý báu để gieo hy vọng, củng cố niềm tin cho các nhà thầu dám đứng lên đấu tranh, quyết liệt hơn trong quá trình bảo vệ và đòi lại những quyền lợi chính đáng cho chính mình.
Trước thềm năm 2018, ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Đây được xem là “liều thuốc” để tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, đang được dư luận quan tâm và đặt nhiều hy vọng. Nhiều nhà thầu đã bày tỏ vui mừng, phấn khởi và mong mỏi Chỉ thị số 47/CT-TTg sớm đi vào cuộc sống, thực sự đem lại môi trường đấu thầu cạnh tranh, công bằng và minh bạch.