Các gói thầu sửa chữa đường sắt dưới 5 tỷ đồng: Thế khó của VNR trong lựa chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, có khá nhiều gói thầu sửa chữa công trình đường sắt có giá trị dưới 5 tỷ đồng do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 làm Bên mời thầu, được thông báo mời thầu rằng “gói thầu dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ”. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà thầu tham dự và trúng các gói thầu này đều không phải là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ.
Hiện nay, có khá nhiều gói thầu sửa chữa công trình đường sắt có giá trị dưới 5 tỷ đồng do VNR làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 làm Bên mời thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hiện nay, có khá nhiều gói thầu sửa chữa công trình đường sắt có giá trị dưới 5 tỷ đồng do VNR làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 làm Bên mời thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, một số gói thầu quy mô nhỏ của VNR được đóng/mở thầu lần 1 vào tháng 3/2023, đều có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Tuy nhiên, các nhà thầu đều không phải là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ nên HSDT bị loại. Bên mời thầu phải thông báo hủy thầu và mời thầu lần 2. Khi mời thầu lần 2, Bên mời thầu đã mở rộng đối tượng tham gia, gồm cả các nhà thầu không phải là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Lý do là từ thực tế phát hành thông báo mời thầu, báo cáo đánh giá HSDT của Bên mời thầu, các gói thầu này không có nhà thầu đáp ứng điều kiện về cấp doanh nghiệp. Chủ đầu tư cho biết, HSMT được điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng ưu tiên với ưu tiên 1 là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ; ưu tiên 2 là liên danh nhà thầu có thành viên là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ; ưu tiên 3 là các nhà thầu còn lại. Theo đó, đối tượng tham gia dự thầu trên nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh, minh bạch để thực hiện lựa chọn nhà thầu cho phù hợp với điều kiện thực tế và tính chất gói thầu. Khi tổ chức đấu thầu lại, các nhà thầu đã tham gia đấu thầu và trượt thầu lần 1 đều tham gia đấu thầu và trúng thầu. Đây đều là những doanh nghiệp chuyên thi công và vận hành các công trình đường sắt, đã trúng nhiều gói thầu của ngành đường sắt và là công ty con (VNR sở hữu trên 51% vốn) hoặc công ty liên kết của VNR.

Chẳng hạn, Gói thầu số 01 Thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa thiết bị thông tin, tín hiệu cầu chung Cầu Long Đại Km538+398, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (giá gói thầu 2,47 tỷ đồng) đóng thầu lần 1 với Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng nộp HSDT. Khi đóng thầu lần 2 (ngày 5/5/2023), Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng tiếp tục là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 2,39 tỷ đồng.

Tương tự, Gói thầu số 01 Thi công xây dựng của Dự án Sửa chữa tín hiệu vào ga, lắp đặt bổ sung tín hiệu lặp lại tín hiệu vào ga tại phía Bắc các ga: Nghĩa Trang, Hoàng Mai, Đồng Chuối, Lạc Sơn và phía Nam các ga: Ghềnh, Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (giá gói thầu 2,131 tỷ đồng) ghi nhận Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh là nhà thầu duy nhất nộp HSDT cả 2 lần và trúng thầu với giá 2,065 tỷ đồng.

Tại Gói thầu số 01 Thi công xây dựng của Dự án Gia cố nền đường, xây chân khay, ốp mái ta luy nền đường đoạn từ Km468+464 - Km468+564, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM (giá gói thầu 2,239 tỷ đồng), ở lần đấu thầu thứ 2, vẫn chỉ có Công ty CP Đường sắt Quảng Bình tham dự và trúng thầu với giá 2,112 tỷ đồng.

Tại Gói thầu số 04 Thi công xây dựng của Dự án Sửa chữa định kỳ cống vòm Km257+942 tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (giá gói thầu 4,581 tỷ đồng), Công ty CP Đường sắt Yên Lào là nhà thầu duy nhất nộp HSDT sau 2 lần mời thầu và trúng thầu với giá 4,35 tỷ đồng.

Ngày 26/7/2023, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Bên mời thầu cho biết, các nhà thầu trúng thầu đều có vốn góp trên 30% của VNR. Tuy nhiên, việc các nhà thầu này được tham gia các gói thầu do VNR làm chủ đầu tư là thực hiện theo quy định của Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR. Ngoài ra, theo quy định pháp luật về đấu thầu, các gói thầu trên tuy dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, song không thu hút được doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia. Đây là tình huống phát sinh không mong muốn, để bảo đảm tiến độ dự án, VNR phải điều chỉnh HSMT, mở rộng tiêu chí cấp doanh nghiệp. Hiện nay, Gói thầu số 01 Thi công xây dựng của Dự án Gia cố nền đường, xây chân khay, ốp mái ta luy nền đường đoạn từ Km468+464 - Km468+564, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có thời gian thực hiện hợp đồng 70 ngày đã hoàn thành và được nghiệm thu, quyết toán. 3 gói thầu còn lại cũng sắp hoàn thành khối lượng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục