Cách nào hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu?

(BĐT) - Đấu thầu được đánh giá là một khâu quan trọng trong thực hiện dự án, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí. 
Báo Đấu thầu là kênh thông tin chính thống giúp công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Báo Đấu thầu là kênh thông tin chính thống giúp công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Vì vậy, cần phải có các quy định và cách thức quản lý chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự giám sát của các bên tham gia hoạt động đấu thầu nhằm giảm thiểu các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Còn nhiều sai phạm trong đấu thầu

Cục Quản lý đấu thầu (thuộc Bộ KH&ĐT) cho biết, tổng kết kết quả kiểm tra về đấu thầu 10 năm qua cho thấy, trên thực tế vẫn còn một số hành vi lách luật hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đấu thầu, quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện  nhiều sai sót, sai phạm xảy ra trong công tác đấu thầu. Điển hình như chỉ định thầu đối với một số gói thầu không đúng quy định (có gói thầu thời gian thực hiện gói thầu vượt 18 tháng, chưa xác định hoặc không đủ nguồn vốn khi chỉ định thầu); lập, thẩm định phê duyệt  kế hoạch đấu thầu thì không đủ nội dung, không đúng thẩm quyền, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu...

Trong lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời sơ tuyển thì đưa điều kiện tiên quyết không đúng hoặc đưa thêm một số yêu cầu về năng lực kinh nghiệm nhằm tạo lợi thế cho một nhà thầu; không đăng tải thông tin mời thầu trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, mà chỉ thông tin trên phương tiện báo, đài địa phương…

Công khai, minh bạch thông tin  về đấu thầu là vấn đề then chốt để phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu.
Quá trình giám sát thực hiện hợp đồng không được chủ đầu tư chú trọng, để xảy ra các sai phạm như: thời hạn nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng không đúng với quy định của hồ sơ mời thầu; nhân sự thực hiện hợp đồng không đúng với nhân sự đề xuất trong hồ sơ dự thầu; hàng hóa đưa vào công trình, dự án có nhãn hiệu, xuất xứ không đúng với hồ sơ dự thầu; nhà thầu liên danh ký hợp đồng nhưng khi thực hiện hợp đồng chỉ 01 thành viên thực hiện; điều chỉnh hợp đồng sai quy định đối với hợp đồng trọn gói; không xử phạt khi hợp đồng bị kéo dài…

Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, để thực hiện tốt nội dung phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu thì việc công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đấu thầu là vấn đề then chốt, cần phải thúc đẩy thực hiện. Khi thông tin trong hoạt động đấu thầu được công khai, từ cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể thực hiện hoạt động đấu thầu, các bên liên quan và cộng đồng đều có thể theo dõi, giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm trong đấu thầu, giúp lành mạnh hóa và nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả trong đấu thầu. 

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt, có chi phí thực hiện hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế của gói thầu thì quá trình lựa chọn nhà thầu phải được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Do đó, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu. Ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, trên cơ sở tính ưu việt của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, cùng với Bộ KH&ĐT, các Bộ, ngành khác cần triển khai soạn thảo, ban hành các quy định cụ thể, chi tiết về đấu thầu phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành, lĩnh vực.

Thứ hai là đẩy mạnh triển khai đấu thầu qua mạng. Đây là một trong những công cụ hiệu quả của Nhà nước trong việc tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, cần nâng cao mức độ sẵn sàng của các bên tham gia, thay đổi tâm lý của các cán bộ làm công tác đấu thầu cũng như nhà thầu tham dự. Bên cạnh đó, cần tập trung hướng dẫn, khuyến khích chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện các gói thầu đơn giản trước để có kinh nghiệm tiếp tục triển khai mở rộng đấu thầu qua mạng trong thời gian tới.

Thứ ba là tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu, trong đó thanh tra, kiểm tra, giám sát là công cụ để Nhà nước quản lý việc thực hiện công tác đấu thầu. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đấu thầu tại các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.

Cuối cùng là thắt chặt công tác quản lý sau đấu thầu. Ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, đối với các gói thầu đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng thì cần xác định rõ các cơ chế tài chính trong hợp đồng để ràng buộc nhà thầu phải đảm bảo theo yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình. Bên cạnh đó, trong hợp đồng cần quy định rõ công thức tính trượt giá phù hợp với quy định của pháp luật đối với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Đối với các gói thầu đang thực hiện hợp đồng thì cần tăng cường giám sát, bảo đảm thực hiện hợp đồng theo đúng kế hoạch, tiến độ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và trong hợp đồng đã ký kết; thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm hợp đồng đối với các hành vi chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng vật tư, thiết bị, công trình. Trường hợp việc vi phạm hợp đồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền chấm dứt ngay hợp đồng với nhà thầu đó để thay thế nhà thầu khác. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần gửi thông tin nhà thầu vi phạm đến Bộ KH&ĐT để kịp thời đăng tải công khai, làm cơ sở răn đe các nhà thầu khác.

Tin cùng chuyên mục