Để cải thiện vị thế hàng Việt trong các gói thầu, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao tính cạnh tranh, nhất là về chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên |
Thực trạng sử dụng hàng trong nước
Năm 2022, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) lựa chọn nhà thầu thực hiện 138 gói thầu với tổng giá trúng thầu là 3.610,7 tỷ đồng. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VIMC cho biết, Tổng công ty thực hiện nghiêm túc việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong công tác lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Đánh giá về chất lượng hàng hóa trong nước sản xuất, ông Tuấn cho rằng, hàng hóa của các DN trong nước, nhất là nhiều mặt hàng của các DN tham gia xuất khẩu, ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã.
Tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ông Đoàn Văn Thanh, cán bộ đấu thầu của VEC cho biết, năm 2022, VEC tiến hành lựa chọn nhà thầu cho 41 gói thầu với tổng giá gói thầu là 1.333,217 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 948,971 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tiết kiệm 28,82%.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, Chỉ thị số 47/CT-TTg, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT, trong các hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) của VEC luôn khuyến khích nhà thầu sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước sản xuất được và có ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu theo quy định”, ông Thanh nói.
Tương tự, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho hay, trong quá trình lập HSMT, HSYC, các chủ đầu tư luôn khuyến khích sử dụng hàng hóa, sản phẩm trong nước để từng bước thay thế hàng nhập khẩu, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Báo cáo công tác đấu thầu năm 2022 của nhiều DNNN khác như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam… đều cho thấy, hàng hóa sản xuất trong nước được các DN chú trọng, khuyến khích sử dụng.
Tạo sức bật cho hàng Việt
Để cải thiện vị thế hàng Việt trong các gói thầu, một số ý kiến cho rằng, điều kiện tiên quyết là DN trong nước cần phải nâng cao tính cạnh tranh, nhất là về chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa. Bởi lẽ, hiện có nhiều mặt hàng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao muốn ưu tiên hàng trong nước nhưng không có.
Đại diện Ban Đấu thầu thuộc EVN cho hay, đến thời điểm này, DN trong nước đã sản xuất được nhiều mặt hàng cho ngành điện, song vẫn còn không ít hàng hóa chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu, nhất là những mặt hàng tích hợp công nghệ cao. Bối cảnh tình hình kinh tế năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp dẫn đến khan hiếm trầm trọng nguyên vật liệu, linh kiện, ít nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa cho các gói thầu/dự án điện trong nước.
“Một số hợp đồng đã ký của Tập đoàn bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của khủng hoảng linh kiện bán dẫn và căng thẳng Nga - Ukraine”, EVN cho hay. Từ thực tế đó, đại diện Ban Đấu thầu EVN mong muốn, trong thời gian tới Nhà nước có chính sách phù hợp để hỗ trợ, “tiếp sức” cho DN trong nước sản xuất các mặt hàng này.
Để khích lệ DN sản xuất, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị, cần tiếp tục có chính sách ưu đãi cao hơn cho DN sản xuất trong nước khi cung cấp sản phẩm cho các gói thầu.
Về nội dung này, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhằm khuyến khích nội địa hóa, tạo động lực cho nhà thầu đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hàng hóa. Dự thảo Luật bổ sung quy định xếp hạng cao hơn cho nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà thầu thuộc đối tượng không được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau; được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu…