Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong: Nhà thầu vất vả tiếp cận mỏ vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ban Quản lý dự án 7 (Chủ đầu tư) thuộc Bộ Giao thông vận tải, tình hình khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang gặp nhiều khó khăn. Nhà thầu mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục cũng như thỏa thuận với các chủ mỏ.
Nhu cầu vật liệu cho Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong gồm 5,5 triệu m3 đất đắp, đã trừ đất tận dụng; 1,73 triệu m3 cát; 0,92 triệu m3 đá. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhu cầu vật liệu cho Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong gồm 5,5 triệu m3 đất đắp, đã trừ đất tận dụng; 1,73 triệu m3 cát; 0,92 triệu m3 đá. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Ban Quản lý dự án 7 cho biết, Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong có 2 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu XL01 Thi công đoạn tuyến Km0 - Km24 do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Tổng công ty Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 thi công. Gói thầu XL02 Thi công đoạn tuyến Km24 - Km48,052 do Liên danh Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty CP Tập đoàn Xây dựng miền Trung thực hiện. Nhu cầu vật liệu cho Dự án gồm 5,5 triệu m3 đất đắp, đã trừ đất tận dụng; 1,73 triệu m3 cát; 0,92 triệu m3 đá.

Theo Chủ đầu tư, tại Gói thầu XL01, nhu cầu đất đắp là 1,5 triệu m3; dự kiến sử dụng 3 mỏ đất (Phú Ân, Phước Lương và Tuy Dương) với tổng trữ lượng 2,92 triệu m3, giao cho nhà thầu khai thác. Nhu cầu sử dụng cát tại Gói thầu là 0,7 triệu m3; dự kiến sử dụng 2 mỏ (Hoàng Dương và Định Thọ). Gói thầu cần sử dụng 0,302 triệu m3 đá; dự kiến sử dụng 3 mỏ đá thương mại (Tân Lập, Huy Thiên Phú, Vũng Đá Bàn) có tổng trữ lượng 2,54 triệu m3, công suất khai thác 450.000 m3/năm.

Gói thầu XL02 cần 4 triệu m3 đất đắp, dự kiến lấy tại mỏ đất Phú Ân, mỏ Núi Cây Tra, mỏ Hóc Thuần; dự kiến khai thác đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công. Về vật liệu cát, nhu cầu là 1,03 triệu m3; dự kiến sử dụng 8 mỏ cát có trữ lượng 11,2 triệu m3. Trong đó, 4 mỏ đã được cấp phép, công suất 1 mỏ 10.000 m3/năm, 4 mỏ cát còn lại thuộc danh mục quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng thông thường, sau này sẽ giao cho nhà thầu khai thác.

Nhà thầu đã làm thủ tục xin cấp phép mỏ cát Phước Mỹ Đông trữ lượng đăng ký 853.267 m3, mỏ cát Phong Niên trữ lượng đăng ký khai thác 237.100 m3 và đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp bản xác nhận khối lượng. Đối với mỏ Định Thọ 1 có trữ lượng đăng ký khai thác 350.000 m3, ngành điện đang thẩm định biện pháp gia cố cột điện cao thế. Các mỏ đất cát dự kiến khai thác đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công.

Riêng vật liệu đá, nhu cầu sử dụng là 0,664 triệu m3. Dự kiến sử dụng 4 mỏ đã cấp phép khai thác trữ lượng 4,96 triệu m3; công suất khai thác đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công. Tuy nhiên, theo Chủ đầu tư, các chủ mỏ đá chưa đồng ý nâng công suất khai thác do không muốn rút ngắn thời gian hoạt động.

Chủ đầu tư chia sẻ, đơn vị này đã cung cấp thông tin các nhà thầu thực hiện khai thác mỏ cho UBND tỉnh Phú Yên. Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã tổ chức buổi làm việc với Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công để hướng dẫn các nội dung liên quan tới trình tự thủ tục khai thác mỏ cung cấp vật liệu cho dự án.

Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế mất khá nhiều thời gian, ngoài nguyên nhân do công tác chuẩn bị hồ sơ của nhà thầu còn thiếu sót, có nguyên nhân do công tác phối hợp lấy ý kiến các sở ngành, thẩm định, trình duyệt hồ sơ của địa phương còn chậm.

Thực tế, cho đến nay chưa có mỏ nào tiến hành khai thác được vật liệu, do nhiều nguyên nhân như: công tác trình duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của địa phương chưa đáp ứng công tác chấp thuận khai thác mỏ vật liệu; phát sinh ý kiến của Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện thủ tục đấu giá đất đối với các mỏ khoáng sản có đất do Nhà nước quản lý (mỏ cát bãi bồi, lòng sông).

Bên cạnh đó, công tác thỏa thuận đền bù mỏ đất đang là một vấn đề lớn, ảnh hưởng tới tiến độ khai thác. Cụ thể: mỏ đất Phú Ân (phần giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1) vướng 40% diện tích do 2 hộ dân chưa đồng ý thương thảo về đền bù, mỏ đất Phú Ân (phần giao cho Công ty 68) cũng có tình trạng tương tự, hiện mới thương thảo được 12/27 hộ dân, đạt 60% diện tích…

Tin cùng chuyên mục