Cập nhật thị trường để tránh “vỡ thầu” thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chậm cập nhật thông tin về nguồn cung, biến động giá được cho là một trong những nguyên nhân gây thiếu thuốc, bị động trong khám, chữa bệnh. Để hạn chế tình trạng này, một số ý kiến khuyến nghị các đơn vị mua sắm, bệnh viện cần thường xuyên cập nhật thị trường, bao gồm khả năng sẵn sàng về nguồn cung cũng như biến động giá cả, để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc sát với thực tế.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung, biến động giá thuốc thường xảy ra nhưng một số chủ đầu tư chưa cập nhật thông tin. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng gián đoạn nguồn cung, biến động giá thuốc thường xảy ra nhưng một số chủ đầu tư chưa cập nhật thông tin. Ảnh: Lê Tiên

Trước tình trạng thiếu thuốc cục bộ xảy ra ở một số nơi thời gian qua, nhiều chuyên gia và chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu chỉ ra một trong những nguyên nhân chính là khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp, chưa sát với thực tế.

Ngày 3/2/2025, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế có Công văn số 308/QLD-KD gửi các sở y tế trên cả nước cũng như các bệnh viện trực thuộc để hướng dẫn về việc đảm bảo cung ứng thuốc chứa hoạt chất Methyphenidat HCI. Theo Cục Quản lý dược, Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam) vừa có thông báo về khả năng thiếu tạm thời thuốc Concerta (Methylphenidat hydroclorid 18mg, 001112785824) tại thị trường Việt Nam từ tháng 1 - 2/2025 và tháng 6 - 10/2025 do nhu cầu trên toàn cầu tăng, hạn chế nguồn nguyên liệu và năng lực sản xuất, phân bổ thuốc này.

Để ứng phó, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm (bao gồm cả biện pháp chủ động thay thế thuốc khi nguồn cung bị thiếu hụt) nhằm đảm bảo kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị…

Đây không phải là câu chuyện mới. Trước đó, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng khan hiếm Albumin, Globulin… trên toàn cầu, nhất là sau đại dịch Covid-19, đồng thời hướng dẫn các cơ sở y tế sử dụng thuốc thay thế hoặc thay đổi phác đồ điều trị… Tuy nhiên, thực tế, một số chủ đầu tư vẫn không cập nhật, vẫn duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua các loại thuốc này, tổ chức đấu thầu đi đấu thầu lại mà không có nhà thầu nào tham gia, vừa gây tốn kém chi phí, vừa mất thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Liên quan đến câu chuyện này, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ giải pháp điều chỉnh phương án điều trị, thay thế thuốc để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một mặt hàng thuốc như Albumin…

Tương tự, năm 2024, Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng xảy ra tình trạng gián đoạn thuốc… do nguồn hàng nhập khẩu bị đứt đoạn, doanh nghiệp có số đăng ký lưu hành không còn kinh doanh mặt hàng này và nhà sản xuất cũng dừng phân phối tại Việt Nam. Sau đó, Bệnh viện đã chuyển hướng sử dụng thuốc thay thế bằng nguồn hàng sản xuất trong nước.

Để tránh tình trạng thiếu thuốc, ngoài thông tin về nguồn cung, chủ đầu tư, đơn vị phụ trách công tác mua sắm cần thường xuyên cập nhật biến động giá trên thị trường. Thực tế thời gian qua, hiện tượng nhà thầu chào vượt giá xảy ra khá phổ biến tại nhiều phần/lô của các gói thầu mua thuốc.

Tại Gói thầu số 1 Gói thầu thuốc generic thuộc Dự toán Mua thuốc tập trung cấp địa phương cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024 - 2025 (209,636 tỷ đồng), có tới 40 mã thuốc có giá dự thầu của nhà thầu vượt giá kế hoạch, được đề nghị chào lại giá dự thầu. Đơn cử, mã thuốc GE2023.310 Albumin 20% x 100ml (700 lọ, nhóm 1), giá dự thầu là 1.875.000 đồng (giá kế hoạch là 1.210.000 đồng)…

Tham dự Gói thầu số 02 Thuốc biệt dược gốc và tương đương điều trị (157,125 tỷ đồng) thuộc Dự toán Mua sắm thuốc lần 6 năm 2024 tại Bệnh viện Quân y 103, Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 có 2 mặt hàng thuốc chào giá vượt giá kế hoạch (thuốc Ketosteril phần/lô PP2400463330 các muối Calci dẫn xuất của acid amin và các acid amin; Duphaston phần/lô PP2400463317 Dydrogesterone) nên bị loại…

Lý giải tình trạng này, một số cán bộ mua sắm của ngành y tế cho biết, dù pháp luật về đấu thầu đã cho phép tham khảo thông tin thị trường từ nhiều kênh khác nhau như báo giá (có thể lấy 1 báo giá, hoặc chọn giá cao nhất trong các báo giá), giá trúng thầu gần nhất…, nhưng phần nhiều vẫn chọn giải pháp an toàn là giá thấp nhất. Do đó, chuyện “vỡ thầu” đối với một số mặt hàng khan hiếm, có biến động giá lớn… vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Tại một hội thảo phổ biến Luật Đấu thầu năm 2023 và các văn bản hướng dẫn Luật do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, đại diện nhiều bệnh viện còn cho biết tình trạng nhà thầu không có đủ số lượng thuốc như yêu cầu, hay thẻ kho không đáp ứng số lượng tối thiểu nên không thể tham dự thầu, giả sử có tham dự thì cũng bị loại.

Để tránh tình trạng trên, ông Hoàng Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế khuyến nghị, thay vì đưa tất cả nhu cầu về một mặt hàng thuốc nào đó vào một phần/lô, chủ đầu tư có thể tách thành nhiều phần/lô, vừa sức với các nhà thầu hơn. Điều quan trọng là chủ đầu tư, đơn vị mua sắm phải tiến hành khảo sát thị trường, cập nhật thông tin trước khi lập kế hoạch mua sắm, xác định giá gói thầu.

Tin cùng chuyên mục