Thời gian qua, số lượng phản ánh về tình trạng HSMT cài cắm tiêu chí hạn chế nhà thầu có xu hướng gia tăng. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên |
Chỉ trong tuần trước, phóng viên Báo Đấu thầu đã “nhặt sạn” không dưới 3 HSMT từ phản ánh của các nhà thầu. Đơn cử như Gói thầu Đầu tư 2 xe nâng hàng 3 tấn do Chi nhánh khu vực phía Nam Tổng công ty Hàng không Việt Nam làm bên mời thầu. Gói thầu này có giá hơn 2 tỷ đồng, được đấu thầu qua mạng. Sau khi Bên mời thầu công khai báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Công ty CP Xây lắp PDF Việt Nam có kiến nghị về việc HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp mặt hàng Model 62-8FD30 (xe nâng dầu 3 tấn, nâng 3 m) phải có “Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất”. Trong khi đó, mặt hàng này là hàng hóa phổ thông trên thị trường.
Một trường hợp khác là Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Đồng Tháp có giá 64,7 tỷ đồng. Gói thầu thu hút 2 nhà thầu tham dự gồm: Công ty CP Nhân Bình, Công ty CP 319.5. Một nhà thầu tại TP. Hà Nội (đề nghị được giấu tên) phản ánh, HSMT yêu cầu thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động thực hiện Gói thầu gồm “1 máy lu bánh thép 25T, công suất 25T”. Nhà thầu cho biết đây là thiết bị đặc chủng (tải trọng rất lớn) thường để thi công công trình đặc biệt như cao tốc, sân bay và rất ít nhà thầu trang bị loại thiết bị này. Đối với dự án dân dụng như gói thầu nêu trên, việc HSMT quy định như vậy là không cần thiết.
Tương tự, tiêu chí bố trí nhân sự chủ chốt tại HSMT Gói thầu số 69 Bảo hiểm công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt thuộc Tiểu dự án 8 (tỉnh Cà Mau) quy định không rõ ràng cũng dẫn đến kiến nghị của nhà thầu. Cụ thể, HSMT yêu cầu tiêu chí về nhân sự chủ chốt gồm: tối thiểu 1 quản lý chung, điều hành thực hiện hợp đồng, tối thiểu 2 chuyên viên giám định, xử lý tổn thất và giải quyết bồi thường, tái bảo hiểm. Nhà thầu dự thầu phản ánh, HSMT không quy định cụ thể trường hợp nhà thầu tham dự với tư cách liên danh thì từng thành viên phải đáp ứng nên đã dẫn tới việc kiến nghị kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ lựa chọn nhà thầu.
Chỉ trong thời gian ngắn, đường dây nóng của Báo Đầu thầu đã nhận không ít đơn thư, cuộc điện thoại phản ánh liên quan đến việc HSMT đưa ra tiêu chí hạn chế nhà thầu. Điển hình như gói thầu xây nhà lớp học tại huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) yêu cầu nhà thầu phải có biên bản thống nhất bãi đổ thải, phải được chủ đầu tư chỉ định vị trí và ký xác nhận trước thời điểm đóng thầu; gói thầu mua sắm bàn ghế (tỉnh Gia Lai) yêu cầu về nhân sự làm hạn chế thầu…
Pháp luật về đấu thầu đã hướng dẫn chi tiết việc lập, thẩm định và phê duyệt HSMT, nhưng do đâu vẫn còn những “hạt sạn” trong HSMT?
Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai (một nhà thầu tại TP.HCM) cho rằng, để lọt các tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh trong HSMT là trách nhiệm của đơn vị tư vấn lập, thẩm định và của cả chủ đầu tư khi phê duyệt HSMT. Sai sót trên đến từ năng lực yếu kém các chủ thể thực hiện và cũng không loại trừ lý do “có chủ ý” định hướng.
“Nhiều trường hợp nhà thầu gửi văn bản đề nghị làm rõ HSMT hoặc kiến nghị với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, chính quyền địa phương nhưng không được lý giải thỏa đáng, cò cưa kéo dài đẩy cuộc thầu vào thế sự đã rồi hoặc bế tắc”, ông Trọng nói và đề xuất cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu ở từng khâu lập, thẩm định và phê duyệt HSMT. Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, nếu phát hiện sai sót thì áp dụng chế tài xử lý mạnh tay. UBND cấp tỉnh, các Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương.
Bà Phạm Minh Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu cho biết, luật đã quy định cụ thể về các khâu lập, thẩm định và phê duyệt HSMT, nhưng việc thực hiện đúng hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan người có trách nhiệm đối với các khâu này. Trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu, Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hữu trách cấp địa phương. Chắc chắn phải có chế tài cụ thể để xử lý hiện tượng này.