Gói thầu thiết bị giáo dục tại Vĩnh Long: Nhà thầu phản ứng tiêu chuẩn áp dụng không đồng nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vĩnh Long vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu trúng Gói thầu Mua sắm thiết bị thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn Thành phố. Trong quá trình mời thầu, một số nhà thầu có kiến nghị cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) được lập với nhiều tiêu chuẩn đánh giá mang tính định hướng nhà thầu.
2 nhà thầu đã phản đối với yêu cầu “Nhà thầu phải cam kết sẵn sàng cung cấp, lắp ráp, demo thiết bị khi có yêu cầu của Chủ đầu tư trong quá trình đánh giá HSDT. Trường hợp không cam kết, xem như bị loại”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
2 nhà thầu đã phản đối với yêu cầu “Nhà thầu phải cam kết sẵn sàng cung cấp, lắp ráp, demo thiết bị khi có yêu cầu của Chủ đầu tư trong quá trình đánh giá HSDT. Trường hợp không cam kết, xem như bị loại”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có dự toán 10,319 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 22/9 - 13/10/2021. Trong đó, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Phát Lam Sơn là đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT); Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Thành Tâm là tư vấn thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ngay sau khi HSMT được phát hành, 2 nhà thầu đã có văn bản gửi Chủ đầu tư phản đối một số tiêu chí tại HSMT. Theo đó, đối với yêu cầu “Nhà thầu phải cam kết sẵn sàng cung cấp, lắp ráp, demo thiết bị khi có yêu cầu của Chủ đầu tư trong quá trình đánh giá HSDT. Trường hợp không cam kết, xem như bị loại”, các nhà thầu kiến nghị lược bỏ do đây là tiêu chí không cần thiết, làm tăng chi phí thực hiện Gói thầu, đồng thời gây khó cho nhà thầu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, một nhà thầu cũng phản ánh rằng, tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật tại HSMT được xây dựng với nhiều điểm bất hợp lý. Theo đó, nội dung quy định về các bộ tiêu chuẩn ISO; TCVN được đánh giá là hạn chế về chuyên môn, nhiều nội dung chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6. Theo Nhà thầu, các bộ tiêu chuẩn ISO được đánh giá và công bố căn cứ vào quy trình sản xuất, môi trường và sức khỏe con người. Song, HSMT lại quy định các tiêu chuẩn này không đồng bộ đối với các sản phẩm tương tự.

Đơn cử, tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và 14001:2015 là 2 bộ tiêu chuẩn được quốc tế hóa, công nhận rộng rãi trên toàn cầu và được áp dụng cho tất cả các loại thiết bị công nghệ thông tin; điện, điện tử. Song, HSMT chỉ áp dụng tiêu chuẩn này với sản phẩm máy tính để bàn, các thiết bị như tivi, máy chiếu, cassette đều không áp dụng.

Đối với tiêu chuẩn GB/T24001-2016 áp dụng cho sản phẩm đàn organ, Nhà thầu cũng đề nghị Chủ đầu tư xem xét lại, bởi đây là bộ tiêu chuẩn chưa được quốc tế hóa và chưa được Việt Nam thừa nhận. Theo đó, Nhà thầu chỉ ra rằng, trong trường hợp này, HSMT đang nhắm đến đích danh sản phẩm đàn Organ Casio CT-X5000.

Đối với vấn đề về bản quyền, cấp phép xuất bản, Nhà thầu cũng phản ánh tình trạng tương tự, khi cùng thuộc danh mục tranh ảnh, bản đồ - lược đồ, phim - video clip, HSMT quy định theo kiểu “cái có cái không”.

“Từ những dẫn chứng kể trên cho thấy sự không đồng nhất trong việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn vào sản phẩm mời thầu. Không loại trừ trường hợp HSMT đang định hướng đến một nhà thầu duy nhất có thể đáp ứng”, Nhà thầu bày tỏ nghi ngại.

Làm rõ phản ánh từ phía các nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, việc đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có cam kết cung cấp hàng mẫu là một trong những “yếu tố cần thiết khác” được quy định tại HSMT. Đồng thời, Chủ đầu tư khẳng định, tất cả thông số kỹ thuật cơ bản được xây dựng đều tuân thủ quy định tại Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế, Chủ đầu tư bổ sung các yêu cầu nhằm bảo đảm lựa chọn được sản phẩm tối ưu nhất.

Kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố ngày 24/11. Theo đó, nhà thầu được phê duyệt trúng thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục TSV Việt Nam với giá 10,118 tỷ đồng, giảm 1,9% so với giá gói thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày, áp dụng loại hợp đồng trọn gói.

Theo biên bản mở thầu, có 2 nhà thầu khác nộp HSDT. Trong đó, Công ty TNHH Trí Nguyên Việt không vượt qua được vòng đánh giá năng lực, kinh nghiệm do không đáp ứng yêu cầu về hợp đồng tương tự và doanh thu bình quân; Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vũ Tịnh - Công ty TNHH Đỉnh Phong Thịnh bị loại do không cam kết cung cấp hàng mẫu, đồng thời, các nội dung làm rõ chưa đáp ứng yêu cầu.

TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, đối với các bộ tiêu chuẩn đã được quốc tế hóa, công nhận rộng rãi trên toàn cầu, thì cần phải được áp dụng thống nhất đối với các sản phẩm tương tự thuộc phạm vi. Trường hợp có quy định khác, Chủ đầu tư, đơn vị thẩm định cần đưa ra được sự lý giải chặt chẽ, thuyết phục, tránh gây tranh cãi, nghi ngại cho các nhà thầu, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh tại cuộc thầu.

Tin cùng chuyên mục