Chính quyền Trump hầu tòa nhiều hơn vì 'vũ khí' thuế quan

Các phán quyết gần đây của tòa án có thể mở ra những thách thức mới đối với chiến lược thuế quan mà ông Trump sử dụng.
Chính quyền của ông Trump có thể đối diện nhiều kiện tụng hơn nếu tiếp tục theo đuổi chiến lược dùng thuế quan để gây sức ép lên các đối tác thương mại.Ảnh: AP
Chính quyền của ông Trump có thể đối diện nhiều kiện tụng hơn nếu tiếp tục theo đuổi chiến lược dùng thuế quan để gây sức ép lên các đối tác thương mại.Ảnh: AP

Chiến lược thuế quan của Nhà Trắng đang đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng, từ một loạt vụ kiện chính quyền trong việc ra các quyết định áp thuế có đúng luật không. Theo đó, những chiến thắng gần đây của các công ty thép và năng lượng trước chính quyền tại tòa án có thể là thách thức mới đối với "vũ khí" thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Các vụ kiện vừa qua liên quan đến Mục 232 và 201, quy định về các khoản thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ như thép, nhôm, pin mặt trời, trong Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Mỹ.

Các vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, trụ sở tại New York. Cơ quan này nằm trong hệ thống tư pháp Mỹ, có thẩm quyền đối với tất cả các vụ kiện liên quan đến hải quan và luật thương mại quốc tế.

Chính quyền Trump lập luận rằng, các đạo luật thương mại khác nhau cho phép đủ linh hoạt cho các hành động mà họ thực hiện. Và một khi hành động đã được thực hiện, tổng thống có thẩm quyền rộng rãi để sửa đổi.

Cho đến nay, chưa có vụ kiện nào liên quan trực tiếp đến các đòn thuế mà ông Trump áp với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, các luật sư thương mại nói rằng điều này có thể thay đổi. Một số doanh nghiệp, tập đoàn thương mại và luật sư đang tích cực xem xét kiện chính quyền đối với việc áp thuế này.

"Cũng có ngày sẽ vỡ đập", Tim Meyer, Giáo sư tại Đại học Luật Vanderbilt, người đại diện cho Viện Thép Quốc tế Mỹ, bình luận. Theo ông, các vụ kiện thành công ở Mục 232 và 201 có thể dẫn đến các vụ kiện ở Mục 301, nơi được sử dụng là căn cứ pháp lý để tiến hành áp thuế lên hàng Trung Quốc.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Nhà Trắng và Bộ Thương mại từ chối bình luận. Ông Trump nói rằng thuế quan là cần thiết để điều chỉnh thâm hụt thương mại nhiều năm với các quốc gia khác, vốn dẫn đến mất việc làm ở Mỹ.

Jennifer Hillman, chuyên gia về luật thương mại quốc tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại và cựu thẩm phán của WTO, lưu ý rằng đợt áp thuế đầu tiên của ông Trump lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc được chứng minh lý do cụ thể bởi hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các vi phạm thương mại khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các lần áp thuế sau lại không dựa trên căn cứ thực tế nào. Điều này mở ra nguy cơ kiện tụng xoay quanh Mục 301. "Không có phân tích kinh tế mới, không có báo cáo chuyên gia mới để cho thấy mức độ thiệt hại kinh tế đã tăng vọt", bà Hillman nói.

Kể từ khi ông Trump bắt đầu áp thuế quy mô lớn vào năm 2018, hầu hết sự chú ý tập trung vào nỗ lực của nước bị áp thuế tại bàn đàm phán. Trong lúc đó, các doanh nghiệp Mỹ tiến hành các chiến dịch vận động hành lang để chống lại thuế quan trong lĩnh vực của họ.

Đến nay, họ còn cách tiếp cận thứ ba là tiến hành một cuộc chiến "chậm chạp và tốn kém" hơn tại Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, nơi vừa đưa ra vài phán quyết bất lợi cho chính quyền Mỹ liên quan đến áp thuế nhôm, thép.

Tháng trước, trong vụ kiện của Transpacific Steel, tòa án cho rằng chính quyền đã không tuân theo các mốc thời gian và thủ tục cần thiết khi bổ sung thêm 25% thuế đối với thép Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8/2018. Vụ án vẫn chưa xong và có thể kháng cáo. Nếu chính quyền thua thì họ phải hoàn trả cho các doanh nghiệp chịu tác động khoản thuế bổ sung tương đương,

Theo Mục 232, chính quyền phải tuân theo các mốc thời gian được quy định để áp thuế thép và nhôm. Tháng trước, chính quyền đã bỏ lỡ thời hạn ngày 13/11, được nêu trong luật, để đưa ra quyết định về thuế quan ôtô đối với hàng nhập khẩu châu Âu và châu Á.

Bộ Thương mại từ chối trả lời các câu hỏi về thời hạn bị bỏ lỡ, mặc dù Bộ trưởng Wilbur Ross cho biết ông tin rằng chính quyền vẫn có thể áp thuế mặc dù đã bỏ lỡ thời hạn.

Còn hai vụ kiện áp thuế thép dáng chú ý liên quan đến Mục 232 đang diễn ra. Đầu tiên là của Viện Thép Quốc tế Mỹ, mà Giáo sư Meyer là một trong những luật sư. Nhóm này lập luận rằng Quốc hội không có quyền cấp cho Nhà Trắng quyền lực thuế quan sâu rộng như vậy.

Nhóm này đã thua kiện tại Tòa án Thương mại Quốc tế, nhưng các thẩm phán cho biết một số vấn đề được nêu trong vụ án vượt quá quyền lực của tòa án này. Vụ án hiện chuyển đến tòa án phúc thẩm liên bang và có thể sẽ phải được quyết định bởi Tòa án Tối cao vì nó liên quan đến hiến pháp.

Vụ thứ hai là của Universal Steel Products, nộp đơn kiện Bộ Thương mại Mỹ hồi 3/12, khi cơ quan này kết luận thép nước ngoài là mối đe dọa an ninh quốc gia. Phía nguyên đơn cho rằng báo cáo kết luận trên là thiếu sót, dựa trên những phát hiện tùy tiện, thất thường và không có bằng chứng quan trọng.

Ngoài ra, trong một quyết định ngày 5/12, Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ đã đứng về phía Invenergy Renewables, ngăn chặn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) áp đặt thuế quan lên pin mặt trời.

Kathleen Claussen, thuộc Đại học Luật Miami và là một cựu luật sư tại USTR cho rằng, cơ quan này đang bắt đầu bị các doanh nghiệp thách thức nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục