Một nhân tố khác gây áp lực giảm đối với giá dầu tuần này là đồng USD mạnh lên - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới giằng co mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại một tuần giảm điểm do chịu nhiều áp lực bao gồm nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI tăng 0,08 USD/thùng, đạt 52,72 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,8%, đạt 62,1 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 4,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Giá dầu Brent giảm khoảng 1% trong tuần.
Theo tin từ Reuters, cũng như nhiều tài sản khác, giá dầu đang chịu sức ép từ tranh chấp thương mại chưa được giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại này đặt ra rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 1/3 - hạn chót mà hai nhà lãnh đạo đã đặt ra để Washington và Bắc Kinh đạt một thỏa thuận thương mại.
Tâm lý của giới đầu tư càng thêm phần bi quan khi Ủy ban châu Âu (EC) hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) do căng thẳng thương mại toàn cầu và những thách thức nội khối.
Một nhân tố khác gây áp lực giảm đối với giá dầu tuần này là đồng USD mạnh lên.
"Có vẻ như những rủi ro vĩ mô vẫn đang thắng thế trước yếu tố căn bản về nguồn cung có tác dụng hỗ trợ giá dầu", ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa cơ bản thuộc BNP Paribas, nhận xét.
Hiện tại, giá "vàng đen" đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, cũng như việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của Venezuela.
Nguồn tin từ OPEC tiết lộ với Reuters rằng Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, đã giảm sản lượng khai thác dầu khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 1, còn 10,24 triệu thùng/ngày.
Cùng với đó, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela được cho là sẽ khiến xuất khẩu dầu của quốc gia Nam Mỹ này giảm thêm từ 300.000-500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các biện pháp trừng phạt này chưa có nhiều ảnh hưởng đến thị trường dầu.
"Nhu cầu tiêu thụ dầu đang đối mặt nhiều trở ngại… Vấn đề Venezuela về cơ bản đã được phản ánh vào giá dầu và không có gì đảm bảo rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ được gia hạn", các nhà phân tích thuộc PVM Oil nhận xét.
"Đây không thể là một công thức cho lực mua dầu gia tăng một cách bền vững. Tuy nhiên, vẫn có một số nhân tố tiềm năng hỗ trợ cho giá dầu. Đó là tin đồn rằng chính quyền ông Trump sẽ không gia hạn sự miễn trừ cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu Iran", báo cáo của PVM Oil đánh giá.