“Chốt chặn” nhà thầu tại các gói thầu lập quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 là năm các cấp đồng loạt thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn mới. Trong quá trình lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, đã có không ít phản ánh về tình trạng tiêu chí trong hồ sơ mời thầu (HSMT) không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, HSMT gồm những tiêu chí hạn chế sự tham dự của nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều gói thầu tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu thời gian qua đã đưa ra yêu cầu trong HSMT quá cao so với quy mô của gói thầu, khiến nhiều nhà thầu phản ứng. Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự là một trong những nội dung thường bị các nhà thầu kiến nghị, phản đối.

Đơn cử, một gói thầu tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất (TVLQHSDĐ) thời kỳ 2021 - 2030 tại một huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, HSMT quy định: nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện >= 80 gói thầu lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trở lên tương tự về điều kiện tự nhiên tính từ ngày 1/1/2009 đến nay thì sẽ đạt điểm tối đa. Không những vậy, 80% số gói thầu này phải thực hiện tại vùng trung du miền núi phía Bắc. Ngay lập tức, tiêu chí này đã vấp phải kiến nghị của nhà thầu vì cho rằng không phù hợp với quy mô của gói thầu, không bảo đảm cạnh tranh.

Một gói thầu khác về lập quy hoạch tại tỉnh Hưng Yên, HSMT yêu cầu nhà thầu phải thực hiện rất nhiều hợp đồng tương tự trong 15 năm trở lại đây (từ ngày 1/1/2005 đến trước thời điểm đóng thầu). Các hợp đồng tương tự trong từng loại quy hoạch được HSMT quy định chi tiết, cụ thể về số lượng khiến nhà thầu hoài nghi việc đưa ra các tiêu chí này như để “đo ni đóng giày” cho một nhà thầu. Hợp đồng tương tự tại gói thầu này sẽ được điểm tối đa nếu thực hiện tại các tỉnh miền Bắc.

Không chỉ hợp đồng tương tự, yêu cầu nhân sự cũng là vấn đề gây nhức nhối tại một số gói thầu tư vấn lập quy hoạch. Đối với những gói thầu tư vấn, đội ngũ cán bộ, nhân sự tham gia đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, tại nhiều gói thầu tư vấn lập quy hoạch, bên mời thầu đã đưa ra các tiêu chí nhân sự với bằng cấp, năng lực chuyên môn, thâm niên công tác sao cho sát với yêu cầu của gói thầu để đảm bảo hiệu quả trong thực hiện.

Song, quy hoạch là lĩnh vực rộng lớn, gắn với nhiều ngành nghề, chuyên môn đào tạo. Việc đưa yêu cầu về năng lực, bằng cấp, chuyên môn của đội ngũ nhân sự thực hiện gói thầu lập quy hoạch nếu không đủ căn cứ, cơ sở lý luận và trách nhiệm giải trình thì sẽ rất dễ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện khi đấu thầu.

Tại Gói thầu Lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Thường Tín (Hà Nội), HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải có chứng chỉ lập quy hoạch xây dựng hạng 2. Đối với tiêu chí về nhân sự, nhân sự đảm nhiệm vị trí tư vấn trưởng, chủ nhiệm phải là thạc sĩ chuyên ngành quản lý đất đai và có số năm kinh nghiệm công tác từ 15 năm trở lên. Mặc dù có một số phản ánh cho rằng yêu cầu này quá cao, hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhưng Chủ đầu tư vẫn nhất quyết bảo lưu quan điểm. Chủ đầu tư cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là quy hoạch quan trọng của Huyện. Do đó, đòi hỏi cá nhân, tổ chức tham gia lập quy hoạch, kế hoạch phải có năng lực, nghiệp vụ tư vấn, trình độ cao để xây dựng quy hoạch chung được đồng bộ, thống nhất.

Một trường hợp khác là gói thầu lập quy hoạch tại một huyện của tỉnh Bến Tre, ngoài nhân sự có chuyên môn phù hợp, HSMT còn yêu cầu nhà thầu phải có nhóm chuyên gia môi trường, bản đồ - viễn thám - thông tin địa lý, các ngành khối kinh tế (3 người). Trong đó yêu cầu 2 người phải có bằng thạc sĩ để đạt điểm đánh giá tối đa (3,5 điểm). Trường hợp nhân sự chỉ có bằng đại học thì đạt điểm tối thiểu (1 điểm). Yêu cầu này bị nhiều nhà thầu phản đối vì cho rằng không phù hợp với hoạt động chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý đất đai; yêu cầu về bằng cấp thạc sĩ cũng được cho là không phù hợp, gây hạn chế cạnh tranh. Do không đủ căn cứ thuyết phục, HSMT của gói thầu này sau đó cũng đã được điều chỉnh theo kiến nghị của các nhà thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, các đơn vị tư vấn mời thầu, bên mời thầu, chủ đầu tư cần cẩn trọng, khách quan, nghiêm túc khi xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu, từ đó sẽ giảm thiểu được kiến nghị trong đấu thầu ngay từ khâu đầu, tránh những khiếu nại kéo dài về sau.

Tin cùng chuyên mục