Chưa có lối thoát cho thiết bị y tế liên doanh “đắp chiếu”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù một số hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế (TTBYT) liên doanh - liên kết (LDLK) vướng pháp lý phải ngừng hoạt động trong 2 năm qua đã được cơ quan chức năng giải tỏa, nhưng đến nay Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa thể đưa các hệ thống này vào vận hành để phục vụ khám chữa bệnh (KCB).
Nhiều hệ thống máy móc, thiết bị không thể hoạt động trong khi nhu cầu khám chữa bệnh gia tăng đột biến. Ảnh: NC st
Nhiều hệ thống máy móc, thiết bị không thể hoạt động trong khi nhu cầu khám chữa bệnh gia tăng đột biến. Ảnh: NC st

Phóng viên Báo Đấu thầu vừa có cuộc phỏng vấn ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này.

Hiện nay, các hệ thống máy móc, TTBYT tại Bệnh viện phải ngừng hoạt động trong 2 năm qua đã được đưa vào sử dụng trở lại chưa, thưa ông?

Bệnh viện có 11/27 đề án máy LDLK thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2018 được Thanh tra Chính phủ chuyển Cơ quan điều tra của Bộ Công an để điều tra vì có dấu hiệu sai phạm. Đến nay, cơ quan chức năng đã chấp thuận tiếp tục đưa vào sử dụng để phục vụ KCB, nhưng thực tế vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Đơn cử như robot Rosa đã được trao tặng lại cho Bệnh viện, cơ quan chức năng giải tỏa và xác lập tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhưng để tiếp tục khai thác thì vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó cần tính lại các chi phí cấu thành giá dịch vụ kỹ thuật bằng robot này…

Ông Đào Xuân Cơ

Ông Đào Xuân Cơ

Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Đối với robot Rosa, doanh nghiệp vướng pháp lý đã không còn đầu tư dòng máy này và phụ kiện đi kèm, gây khó khăn cho Bệnh viện trong mua sắm, vận hành.

Đối với các hợp đồng LDLK đã hết hạn như: PET/CT, máy xạ phẫu bằng dao Gammar…, muốn máy hoạt động trở lại, hai bên phải ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện, nhưng Bảo hiểm Xã hội hiện chưa cho phép thanh toán các dịch vụ kỹ thuật của hợp đồng LDLK gia hạn sau ngày 1/1/2018. Mặt khác, Thông tư số 15/2007/TT-BYT về thực hiện LDLK đã hết hiệu lực và chưa có quy định thay thế. Vì vậy, việc gia hạn hợp đồng các máy LDLK để tiếp tục khai thác chưa có cơ sở pháp lý, trong khi phần lớn thiết bị đã hết khấu hao.

Đây đều là các thiết bị đắt tiền, dòng máy kỹ thuật cao và phải do kỹ sư chính hãng sửa chữa, bảo dưỡng. Muốn đấu thầu mua linh kiện, phụ kiện của các thiết bị này phải có 3 báo giá, hoặc chứng thư thẩm định giá để lập giá dự toán, nhưng việc thực hiện cả hai nội dung này tại thời điểm hiện nay là quá khó, vì có duy nhất một công ty được ủy quyền chào giá và không có đơn vị nào nhận thẩm định giá. Nếu chuyển chi phí sửa chữa này cho bên đối tác thì sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ phân chia lợi nhuận.

Nếu không sớm bảo dưỡng và vận hành trở lại thì số thiết bị này có nguy cơ hỏng hóc, gây thất thoát tài sản. Làm thế nào để khắc phục sự lãng phí này, thưa ông?

Bệnh viện đang tiếp tục đề xuất với các cơ quan chức năng về biện pháp tháo gỡ để sớm đưa máy, thiết bị vào hoạt động phục vụ KCB.

Đối với TTBYT chính hãng, hóa chất - vật tư đóng đi theo máy, Bộ Y tế nên tổ chức đàm phán giá tập trung, các bệnh viện dựa vào mức giá trần đó để mua sắm. Có như vậy mới đi thẳng vào bản chất, tránh đấu thầu hình thức, rút ngắn thời gian đấu thầu (hiện nay thường mất từ 3 - 6 tháng), tiết kiệm chi phí, nhân lực; tránh mỗi nơi một giá và dễ dàng thanh toán bảo hiểm y tế cũng như giải trình với các cơ quan hậu kiểm.

Đối với các máy đặt - mượn của doanh nghiệp trúng thầu cung ứng hóa chất - vật tư đã ký, Chính phủ cần quy định rõ lộ trình chuyển đổi sang hình thức thuê, mua theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP để các bệnh viện hoàn thành hợp đồng dở dang và có thời gian chuẩn bị đầu tư; đồng thời hướng dẫn cách xác định chi phí thuê máy. Nếu cho thuê máy xét nghiệm sử dụng hóa chất đóng thì có thể đấu thầu hóa chất kèm dịch vụ liên quan trong thời hạn 5 năm.

Trong bối cảnh ngân sách đầu tư eo hẹp, chủ trương LDLK máy móc, thiết bị y tế là đúng đắn và cần thiết. Nhưng để hạn chế tiêu cực và phát huy hiệu quả, cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể như: mẫu hồ sơ mời thầu - hợp đồng; định giá phần vốn góp của bệnh viện qua thương hiệu, nguồn nhân lực, giá trị đất đai; giá cung cấp dịch vụ y tế; cơ chế phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và nhà đầu tư… hay vay vốn ngân hàng. Đồng thời, bổ sung, sửa đổi Nghị định số 151 và các văn bản hướng dẫn liên quan để đơn giản hóa thủ tục và đảm bảo quy định chặt chẽ về sở hữu tài sản (cho, biếu, tặng), hoặc sở hữu tạm thời (thuê, mượn, đặt…) nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ KCB.

Mặc dù được giao tự chủ toàn diện từ năm 2019 - 2021, nhưng Bệnh viện không có nguồn lực để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, mua sắm TTBYT hiện đại với công nghệ mới, kỹ thuật cao và nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân là không được tính đúng, tính đủ giá viện phí (chưa được tính 3 chi phí: khấu hao tài sản cố định; đào tạo, nghiên cứu khoa học; quản lý và công nghệ thông tin). Ngoài ra, 4 chi phí trực tiếp đã được tính trong giá dịch vụ y tế nhưng không còn phù hợp. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu an sinh xã hội. Vì vậy, đối với bệnh viện đầu ngành và là tuyến cuối như Bạch Mai, việc áp dụng cơ chế tự chủ toàn diện là không phù hợp, đề nghị các ngành chức năng cân nhắc.

Tin cùng chuyên mục