Không xóa nợ thuế đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Quản lý thuế sáng nay (22.3), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, về nội dung đề xuất của Chính phủ về xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), các đại biểu Quốc hội có hai luồng quan điểm: Có ý kiến đề nghị đưa xóa nợ thuế vào nghị quyết thay vì đưa vào luật, trong khi nhiều ý kiến không đồng ý vì cho rằng điều này dẫn đến không công bằng, không bình đẳng do trong quá trình cổ phần hóa, việc mua - bán DNNN phải theo giá thị trường.
Theo Ủy ban thường vụ, quy định về xóa nợ thuế cho các DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại là nội dung mang tính cá biệt nên không thể quy định trong luật. Do vậy, Thường vụ Quốc hội đề xuất cho phép bỏ nội dung này trong dự thảo luật, khi Chính phủ thấy cần thiết xóa nợ sẽ trình Quốc hội xem xét đối với các trường hợp cụ thể, đảm bảo công bằng, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, việc xóa nợ thuế áp dụng với 3 trường hợp: Nhóm thứ nhất là các DNNN sắp xếp lại, hoặc chuyển đổi sở hữu theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nợ thuế được xóa khi doanh nghiệp có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN, để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.
Nhóm thứ hai là DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1.7.2007.
Nhóm thứ ba là các DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31.12.2015 còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1.7.2007.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng, quy định xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế như trên sẽ giúp giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ. Qua đó sẽ giúp tháo gỡ gánh nặng cho các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan thuế, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Theo thống kê sơ bộ, số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp của các trường hợp này khoảng 1.082 tỉ đồng, trong đó, số nợ thuế 637 tỉ đồng, tiền phạt chậm nộp 445 tỉ đồng và số doanh nghiệp được xóa nợ khoảng 254 doanh nghiệp.