Xóa nợ thuế khó thu, tại sao không?

(BĐT) - Kỳ họp thứ 11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (hoặc thông qua một nghị quyết riêng), trong đó có việc xóa nợ thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; người nợ thuế đã chết hoặc mất tích.
Bộ Tài chính đang kiên trì đề nghị Quốc hội thông qua việc xóa nợ thuế cho đối tượng đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đã chết hoặc mất tích. Ảnh: Huyền Trang
Bộ Tài chính đang kiên trì đề nghị Quốc hội thông qua việc xóa nợ thuế cho đối tượng đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đã chết hoặc mất tích. Ảnh: Huyền Trang

Tiềm ẩn nguy cơ nợ thuế tăng trở lại

Theo ông Trần Văn Phu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, một trong những thành công nhất trong quản lý nợ thuế năm 2015 của ngành thuế là đã tăng cường quản lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo thu hồi kịp thời số nợ thuế vào ngân sách nhà nước, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ thuế mới phát sinh, chống thất thu ngân sách. “Trong suốt năm 2015, toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, đặc biệt đã thực hiện công khai thông tin người nộp thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả là đã thu hồi được 39.102 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng hơn 27% so với năm 2014 và vượt gần 3% so với chỉ tiêu thu nợ”, ông Trần Văn Phu cho biết.

Mặc dù quyết liệt trong thu nợ, song tính đến 31/12/2015, tổng số nợ thuế vẫn còn khoảng 70.000 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 11% so với thời điểm cuối năm 2014 do nợ thuế mới phát sinh và khoản nợ thuế thuộc diện khó đòi, không có khả năng đòi “lưu cữu” từ nhiều năm trước để lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 có 9.467 doanh nghiệp (DN) hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh; gần 71.400 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Số DN giải thể, chấm dứt hoạt động, ngừng hoạt động, đóng cửa năm 2015 tăng, theo ông Phu là nguyên nhân dẫn tới tổng số nợ thuế năm 2015 so với năm 2014 giảm không nhiều (chỉ giảm khoảng 11%).

TP.HCM là một trong số địa phương rất quyết liệt trong việc thu hồi nợ thuế, song tổng số nợ thuế ở đầu tàu kinh tế của cả nước năm 2015 vẫn tiếp tục tăng. “Nguyên nhân là do rất nhiều DN nợ thuế đã đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động, cơ quan thuế không có cách gì thu hồi được”, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, ông Trần Ngọc Tâm lý giải.

Cũng như TP.HCM, Hà Nội là địa phương vô cùng quyết liệt trong việc thu hồi thuế nợ đọng. Một trong các giải pháp trong thu hồi nợ thuế rất hiệu quả, theo ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội là hàng tháng cơ quan thuế Hà Nội công bố công khai danh tính DN, dự án bất động sản còn nợ thuế, tổng số thuế nợ nên ý thức chấp hành pháp luật thuế của DN đã có cải thiện rõ nét. “Tuy nhiên, năm 2016, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn chưa hết khó khăn vì thế số DN giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động vẫn rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ thuế tăng lớn”, ông Hải lo ngại. 

Tìm cách xóa nợ thuế

Năm 2014, Bộ Tài chính đã từng trình Quốc hội xóa nợ thuế cho một số đối tượng, trong đó có khoản nợ thuế khó thu, không thể thu hồi đang “treo lại” ở cơ quan thuế do người nợ thuế đã giải thể, phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh hoặc đã chết, mất tích nhưng không được Quốc hội chấp thuận. Năm 2015, một lần nữa Bộ Tài chính đặt vấn đề này tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10, nhưng cuối cùng vẫn bị Quốc hội tạm gác lại. Vì thế, trước thềm Kỳ họp thứ 11, Bộ Tài chính rất hy vọng Quốc hội sẽ chấp thuận đề nghị hết sức chính đáng này vì số nợ này vô cùng khó thu, làm mất thời gian, công sức, chi phí cho ngành thuế và không hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn. “Nội dung này đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 10 và cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đặc biệt là đã nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra). Vì thế, nhiều khả năng, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội đồng tình xóa nợ thuế cho đối tượng đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đã chết hoặc mất tích”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn hy vọng và yêu cầu Tổng cục Thuế phải chuẩn bị văn bản hướng dẫn xoá nợ thuế khi Quốc hội đồng ý để triển khai ngay.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trên thế giới, cứ 100 DN thành lập mới, trong 3 năm đầu tiên sau khi thành lập sẽ có 62 DNbị “xóa sổ” do kinh doanh thất bại nhưng rất nhiều chủ DNsau khi thất bại sẽ thành lập DNmới để đầu tư, sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác. DN bị buộc phải rời khỏi thị trường do đầu tư thua lỗ nếu có nợ thuế đều được xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có xóa nợ thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện còn 960 tỷ đồng “nợ xấu” rất khó đòi, đang treo lại ở cơ quan thuế do người nợ thuế đã chết hoặc mất tích nhưng vẫn còn tài sản thừa kế lại cho bố mẹ, vợ con. “Số tiền nợ thuế này không nhiều so với tổng số nợ thuế và vô cùng nhỏ nếu chia bình quân cho đối tượng nợ thuế, chỉ vào khoảng 12 triệu đồng/người, người nợ nhiều nhất cũng chỉ có 18 triệu đồng. Người nợ thuế đã chết, đã mất tích mà mình không chịu xóa chỉ bởi lý do duy nhất là họ còn tài sản mặc dù tài sản này đã được bố mẹ, vợ con họ thừa kế là hết sức vô lý và cũng chẳng bao giờ thu được.

Giả sử có thu được khoản nào đó thì số tiền thu được không đủ bù đắp chi phí công sức, thời gian, tiền bạc mà cơ quan thuế bỏ ra”, ông Tuấn nhấn mạnh và yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương xây dựng chính sách xóa nợ thuế cho đối tượng này thật đầy đủ, rõ ràng để thuyết phục Quốc hội thông qua việc xóa nợ thuế tại Kỳ họp thứ 11 tới đây.

Tin cùng chuyên mục