Chứng khoán châu Á sụt điểm vì dữ liệu thương mại của Trung Quốc

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai...
Nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế đang phủ bóng lên thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế đang phủ bóng lên thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi thống kê cho thấy giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh ngoài dự kiến, thổi bùng mối lo về sự giảm tốc mạnh của kinh tế toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp.

Theo tin từ Reuters, số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/1 cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc sụt 7,6% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với dự báo tăng 5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Xuất khẩu của nước này cũng giảm 4,4%, so với mức dự báo tăng 3%.

Những con số gây thất vọng này củng cố mối lo rằng thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vốn dĩ đang giảm tốc.

Nhu cầu yếu đi của Trung Quốc đang được cảm nhận ngày càng rõ trên toàn thế giới, với doanh số của hàng loạt mặt hàng giảm sút, từ điện thoại iPhone tới ôtô, đồng thời dẫn tới cảnh báo về lợi nhuận từ nhiều công ty lớn như Apple hay Jaguar Land Rover.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 sẽ giảm mạnh do mức độ bất ổn lớn và mức cơ sở cao", một báo cáo của ngân hàng Citigroup có đoạn viết. Citi dự báo xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc giảm tương ứng 5,1% và 6,8% trong năm nay.

"Vẫn còn nhiều bấp bênh về khả năng liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đạt một thỏa thuận thương mại trước thời hạn 1/3", báo cáo viết.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1% so với mức đỉnh của 1 tháng rưỡi thiết lập hôm thứ Sáu. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 2/1. Trong đó, hai thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục ghi nhận mức giảm mạnh nhất.

Thị trường Nhật đóng cửa nghỉ lễ trong phiên đầu tuần.

Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đại lục trượt gần 0,9%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất hơn 1,4% điểm số.

Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc và Straits Times Index cùng giảm hơn 0,5%.

Mức giảm của các thị trường được hạn chế phần nào khi giới đầu tư kỳ vọng dữ liệu thương mại mới nhất sẽ thúc đẩy Trung Quốc sớm đi đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

"Có thể nói rằng các số liệu càng xấu, thì Trung Quốc càng có động lực phải giải quyết tranh chấp", chiến lược gia ngoại hối Ray Attrill thuộc National Australia Bank nói với Reuters. "Điều đó cũng làm gia tăng phạm vi mà Trung Quốc phải cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước".

Các nhà phân tích của Citigroup thì cho rằng, dù khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại đang tăng lên, gián đoạn do thuế quan và căng thẳng thương mại gây ra đã có ảnh hưởng lan tỏa khắp nền kinh tế toàn cầu. "Tăng trưởng thương mại khu vực có vẻ như đã giảm đi nhiều, sau một thời gian xuất khẩu được đẩy nhanh trước khi thuế quan có hiệu lực", báo cáo viết.

Chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ gia tăng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay, sau khi một loạt biện pháp đã được triển khai trong 2018, bao gồm đẩy nhanh các dự án hạ tầng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm thuế…

Ngoài các dữ liệu về thương mại, một tâm điểm chú ý khác của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuần này là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2018 bắt đầu. Trong tuần, một loạt ngân hàng lớn gồm Citigroup, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Goldman Sachs và Morgan Stanley sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang lo ngại về tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã ở trong tình trạng này 24 ngày và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ sẽ sớm đạt được một giải pháp cho vấn đề.

Phủ bóng lên thị trường còn là nỗi lo về kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh, hay còn gọi là Brexit. Theo dự kiến, kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May sẽ trải qua một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vào ngày thứ Ba.

Tin cùng chuyên mục