Chứng khoán Mỹ đảo chiều “rực lửa” vì lợi suất trái phiếu tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu phiên giảm điểm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Năm (18/3), khi lợi suất trái phiếu tăng vọt...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu phiên giảm điểm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Năm (18/3), khi lợi suất trái phiếu tăng vọt làm dấy lên nỗi lo về mức định giá cổ phiếu và khiến nhà đầu tư xả những cổ phiếu tăng trưởng đã tăng cao thời gian gần đây.

Nasdaq giảm 3%, còn 13.116,17 điểm, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất của chỉ số cổ phiếu công nghệ này từ ngày 25/2. Các cổ phiếu công nghệ lớn gồm Apple, Amazon và Netflix đồng loạt giảm hơn 3%. Cổ phiếu Tesla thậm chí giảm gần 7%.

Chỉ số S&P 500 sụt 1,5%, còn 3.915,46 điểm, trượt khỏi mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập trong phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Dow Jones mất 0,5%, còn 32.862,3 điểm, dù đã có lúc thiết lập kỷ lục nội phiên nhờ đà tăng của cổ phiếu ngân hàng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc nhảy 11 điểm cơ bản, đạt 1,75%, cao nhất kể từ tháng 1/2020. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng có lúc tăng 6 điểm cơ bản, vượt ngưỡng 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019.

Lợi suất trái phiếu tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên ban Mỹ (Fed) hôm 17/3 phát tín hiệu sẵn sàng để lạm phát vọt lên ở một số thời điểm. Việc lãi suất tăng có thể ảnh hưởng lớn đến các cổ phiếu tăng trưởng, vì mức định giá của các cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp.

"Nguy cơ lãi suất tăng quá nhanh vẫn là một mối lo chính của thị trường", chiến lược gia Craig Johnson thuộc Piper Sandler nói với trang CNBC. "Lực mua trong mấy tuần vừa rồi không đủ bù lại ảnh hưởng của mối lo này. Cổ phiếu tăng trưởng đang chịu sức ép lớn từ lãi suất đi lên".

Cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm sáng ở Phố Wall trong phiên ngày thứ Năm, vì lãi suất tăng có khuynh hướng cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các nhà băng. Ngân hàng có thể thu lợi nhuận nhiều hơn từ khoảng cách được nới rộng giữa lãi suất mà họ đi vay trong ngắn hạn và lãi suất mà họ cho vay trong dài hạn.

Cổ phiếu US Bancorp và Wells Fargo tăng tương ứng 3,3% và 2,4%. Cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 1,7%, trong khi Bank of America tăng 2,6%.

Phiên này, thị trường đón nhận dữ liệu kinh tế trái chiều. Trong đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 13/3 là 770.000, nhiều hơn mức dự báo 700.000 mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Mặt khác, chỉ số ngành sản xuất của Fed chi nhánh Philadelphia đạt 51,8 điểm, vượt xa dự báo và là mức cao nhất của chỉ số từ năm 1973.

Năng lượng là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên này, với mức giảm 4,7%, do giá dầu lao dốc.

Hôm thứ Tư, Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 33.000 điểm, sau khi Fed tuyên bố dự kiến không nâng lãi suất cho tới hết năm 2023.

Sau cuộc họp định kỳ, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại lập trường của Fed là muốn chứng kiến lạm phát đạt bền vững trên ngưỡng mục tiêu 2% và thị trường lao động có sự cải thiện rõ rệt trước khi cân nhắc nâng lãi suất hay cắt giảm chương trình mua trái phiếu.

"Bằng việc nói rằng họ sẵn sàng để lạm phát tăng nóng, vào đúng thời điểm mà nỗi lo về lạm phát đang gia tăng trên thị trường, là một cách khác để Fed phát đi tín hiệu rằng họ không ngại để lãi suất dài hạn tăng cao hơn", chiến lược gia Matt Maley của Miller Tabak phát biểu.

Trong lần họp này, Fed nâng triển vọng kinh tế Mỹ, dự báo tổng sản phẩm trong nước của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 6,5% và lạm phát có lúc đạt 2,2% trong năm 2021. Mục tiêu của Fed là giữ lạm phát trên 2% trong dài hạn.

Tin cùng chuyên mục