Chứng khoán Mỹ tụt khỏi mức kỷ lục sau báo cáo lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/7), khi nhà đầu tư lo ngại vì báo cáo cho thấy lạm phát ở nước này cao nhất 13 năm...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,31%, còn 34.888,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,35%, còn 4.369,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,38%, còn 14.677,65 điểm.

Cả S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục nội phiên mới, nhưng không duy trì được thành quả này và cùng chốt phiên trong sắc đỏ. Trước đó, cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử trong phiên ngày thứ Hai.

Thị trường đi xuống sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 5,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo tăng 5% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời là mức tăng mạnh nhất gần 13 năm. Trong tháng 5, CPI của Mỹ tăng 3,8%, cũng là mức đỉnh từ năm 2008.

“Câu hỏi lớn nhất mà mỗi người đều đặt ra lúc này là những con số lạm phát nóng này sẽ duy trì trong bao lâu. Mỗi thông số lạm phát cao lên đều khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó duy trì thêm chính sách tiền tệ nới lỏng”, Giám đốc chiến lược đầu tư Mike Loewengart thuộc E*Trade Financial phát biểu với hãng tin Reuters.

Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại rằng một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng khi mở cửa trở lại sẽ buộc Fed phải sớm siết lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng CPI tháng 6 tăng mạnh chủ yếu do giá ô tô cũ tăng vọt, và điều đó có nghĩa là lạm phát cao sẽ chỉ tạm thời như Fed vẫn khẳng định.

Tuy số liệu lạm phát cao và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng theo, cổ phiếu công nghệ vẫn đi lên phiên này. Công nghệ là nhóm duy nhất trong 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đi lên, với chỉ số của nhóm đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi đó, bất động sản là nhóm giảm mạnh hơn cả.

Phiên tăng này của cổ phiếu công nghệ bị xem là “ngược đời”. Đầu năm nay, khi lạm phát ở Mỹ nóng lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm leo thang, cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh vì giới đầu tư lo ngại rằng lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền tương lai của các cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Dù giảm phiên này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang ở vùng kỷ lục. Các chiến lược gia ở Phố Wall đang lạc quan về nửa cuối của năm 2021, cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục phục hồi từ Covid-19.

“Sau một năm 2020 không thể nào quên, chúng tôi đang nhìn về nửa sau của năm 2021, thậm chí cả năm 2022, với một niềm tin vào tương lai”, Giám đốc đầu tư Burt White của LPL phát biểu với hãng tin CNBC. “Chúng tôi tin rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế và cuộc suy thoái tiếp theo phải nhiều năm nữa mới xảy ra”.

Ngân hàng UBS nâng dự báo S&P 500 vào thời điểm tháng 12/2021 lên 4.500 điểm, từ mức 4.400 điểm đưa ra trong lần dự báo trước đó. Cơ sở của việc nâng dự báo là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 khả quan.

“Chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán giá lên sẽ tiếp tục vững vàng, xét đến số dư tiền mặt dồi dào của người tiêu dùng, đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp, và Fed tiếp tục mềm mỏng”, UBS nhận định trong một báo cáo.

Dù vậy, cũng có những nhà phân tích lo ngại rằng thị trường khó tiến xa hơn khi mà S&P 500, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, đã tăng gần 17% từ đầu năm.

Hai nhà băng lớn JPMorgan Chase và Godlman Sachs đã khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, công bố doanh thu và lợi nhuận đều vượt dự báo. Ba “ông lớn” ngân hàng khác là Bank of America, Citigroup và Wells Fargo sẽ công bố vào ngày thứ Tư.

Trong tuần này, sẽ có tổng cộng 23 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính. Theo dữ liệu từ Refinitiv, lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số này trong quý 2 được giới phân tích dự báo tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tâm điểm chú ý tiếp theo của giới đầu tư trong tuần này là phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Được chờ đợi nhiều nhất là những đánh giá của ông Powell về sức ép giá cả và định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục