Chứng khoán Mỹ xanh rực, giá dầu tăng mạnh, Bitcoin giữ mốc 20.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
Phiên tăng này diễn ra trên diện rộng, với 441 cổ phiếu thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh. Dầu khí là nhóm tăng mạnh nhất...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/6), sau những phiên bán tháo ồ ạt vào tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về lập trường chính sách tiền tệ trở nên cứng rắn hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.

Giá dầu thô đi lên, tiếp tục được hỗ trợ bởi nỗi lo cung không đủ cầu. Giá Bitcoin cũng gắng gượng duy trì mốc chủ chốt 20.000 USD.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 641,47 điểm, tương đương tăng 2,15%, đạt 30.530,25 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong tháng này. Chỉ số S&P 500 tăng 2,45%, đạt 3.764,79 điểm, cũng là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong tháng 6. Chỉ số Nasdaq tăng 2,51%, đạt 11.069,3 điểm.

Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth - kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ - vào hôm thứ Hai (20/6).

Tuần trước, S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng sự phục hồi kiểu “giả bữa” vào ngày thứ Hai sẽ không kéo dài, bởi nỗi lo suy thoái vẫn phủ bóng trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chuyên gia cho rằng thị trường có thể đã rơi vào vùng bán quá nhiều (oversold) sau khi đã phản ánh hết áp lực lạm phát vào giá cổ phiếu.

Phiên tăng này diễn ra trên diện rộng, với 441 cổ phiếu thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh.

“Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là liệu thị trường đã đáy hay chưa”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định. “Tôi nghĩ đây có thể là một sự bật tăng trở lại nhưng thị trường vẫn chưa đáy, vì vẫn còn thiếu một yếu tố là bán tháo đỉnh điểm do sợ hãi”.

Ông Stovall cho rằng S&P 500 có thể giảm về ngưỡng 3.200 điểm trước khi có một cuộc hồi phục thực sự. Mức điểm này đồng nghĩa chỉ số sẽ giảm hơn 30% từ mức cao kỷ lục.

Những phiên phục hồi như thế này khá phổ biến trong đợt thị trường giá xuống (bear market) đang diễn ra ở Phố Wall. S&P 500 đã có 10 phiên khác tăng hơn 2% kể từ khi thị trường “gấu” này bắt đầu hồi tháng 1 năm nay, rốt cục chỉ để mất thành quả tăng đó ở những phiên sau và giảm sâu hơn. Một số nhà đầu tư vì thế nghi ngờ khả năng phiên này này có thể dẫn tới một đợt phục hồi thực sự, nhất là xét đến việc không có một thông tin khả quan hay chất xúc tác nào dẫn dắt hồi phục.

Năng lượng là nhóm tăng tốt nhất phiên này, trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức tăng 5,1%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,52 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 114,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tăng 1,09 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 110,65 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu cùng giảm trong tuần trước, với giá dầu WTI có tuần giảm đầu tiên trong 8 tuần và giá dầu Brent có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần.

Giá dầu hiện vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ lớn trong mùa hè, trong khi nguồn cung dầu thắt chặt trên toàn cầu. CEO Darren Woods của hãng dầu lửa Mỹ Exxon Mobil dự báo sự thắt chặt nguồn cung dầu sẽ kéo dài trong khoảng 5 năm tới đây. Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nói rằng bất chấp nỗi lo về tăng trưởng kinh tế, các dữ liệu tiếp tục cho thấy nhu cầu dầu đang mạnh.

“Chúng tôi dự báo nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc mở cửa trở lại, hoạt động đi lại tăng vào mùa hè ở bán cầu Bắc và thời tiết nóng hơn ở Trung Đông. Với tăng trưởng nguồn cung chậm so với tăng trưởng nhu cầu trong những tháng tới, chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ còn tăng cao hơn”, ông Staunovo nói.

Tại Mỹ, Nhà Trắng đã mời CEO của 6 công ty dầu lửa lớn tới một cuộc gặp vào ngày thứ Năm tuần này để bàn cách hạn chế đà leo thang của giá năng lượng. Hôm thứ Hai, Tổng thống Joe Biden cho biết trong tuần này, chính quyền của ông sẽ đưa ra quyết định về việc có dừng đánh thuế xăng liên bang hay không.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng, phản ánh triển vọng Fed còn mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát. Nhiều nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ không thể đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”.

Nỗi lo này khiến S&P 500 giảm 5,8% trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ tháng 1/2021. Cũng trong tuần trước, Dow Jones giảm 4,8%, lần đầu tiên xuống dưới mốc 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021. Nasdaq “bay” 4,8% trong tuần.

“Nỗi lo sợ gia tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đang trỗi dậy và sẽ thay thế mối lo lạm phát. Trên phương diện kỹ thuật, chúng tôi đang bắt đầu nhận thấy rằng bức tranh xấu đi của các hàng hoá cơ bản, nhất là các kim loại công nghiệp, phù hợp với nỗi lo này”, chuyên gia David Sneddon của Credit Suisse phát biểu.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang tăng nhẹ trên ngưỡng 20.000 USD, sau khi trượt khỏi mốc này vào cuối tuần.

Lúc gần 8h sáng nay (22/6) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 20.696 USD, tăng hơn 1% so với cách đó 24 tiếng nhưng giảm 6,3% trong vòng 1 tuần.

Vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Cuộc điều trần diễn ra không lâu sau khi Fed có đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mạnh nhất kể từ năm 1994.

Tin cùng chuyên mục