Chuyển biến mạnh mẽ trong đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Việc thực hiện đấu thầu qua mạng (ĐTQM) tại các chủ đầu tư/ bên mời thầu (CĐT/BMT) đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian qua với số lượng nhà thầu/BMT đăng ký, số lượng gói thầu/nhà thầu tham gia ĐTQM liên tục tăng mạnh. 
19.000 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2018 đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm khoảng 3.349 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
19.000 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2018 đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm khoảng 3.349 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Để có được kết quả này, nhiều văn bản pháp quy, chỉ đạo điều hành đã liên tục ra đời. Bên cạnh đó, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG) liên tục được hoàn thiện, cải tiến để việc thực hiện ĐTQM được thực sự hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra.

Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách

Theo thống kê trên HTMĐTQG, trong giai đoạn 2009 - 2015, số lượng nhà thầu đăng ký trên Hệ thống chỉ khoảng 12.600 nhà thầu, số lượng BMT đăng ký là 4.900.

Kể từ khi Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (TT07/2015) quy định chi tiết việc cung cấp đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng (LCNTQM) có hiệu lực, các bộ, cơ quan ngang bộ,  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội... phải tổ chức LCNTQM theo lộ trình cụ thể.

TT07/2015 đã có tác động mạnh mẽ đến ĐTQM. Năm 2016, số lượng nhà thầu đăng ký tăng gấp 2,14 lần so với giai đoạn 2009 - 2015, số lượng BMT đăng ký tăng gấp 1,3 lần. Sang năm 2018, số lượng nhà thầu đăng ký (83.000 nhà thầu) tăng gấp 3,07 lần so với năm 2016 và gấp 6,58 lần so với giai đoạn 2009 - 2015. Số lượng BMT đăng ký năm 2018 (27.000 BMT) tăng gấp 4,2 lần năm 2016 và gấp 5,51 lần giai đoạn 2009 - 2015.

Không chỉ chuyển biến về số lượng, với 19.000 gói thầu ĐTQM trong năm 2018 có tổng giá gói thầu là 46.840 tỷ đồng, việc thực hiện ĐTQM đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm 7,15% (tương đương 3.349 tỷ đồng). Trong khi đó, con số tiết kiệm thông qua ĐTQM các năm 2017, 2016 lần lượt là 984 tỷ đồng, 227,88 tỷ đồng. 

Quyết tâm cao của các cấp, các ngành

TT07/2015 quy định lộ trình tổ chức LCNTQM trong các giai đoạn có thể coi là một trong những văn bản pháp lý quan trọng để ĐTQM được triển khai mạnh mẽ như hiện nay.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành hàng loạt văn bản tạo cơ sở, khung pháp lý cho ĐTQM thực hiện hiệu quả như: Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) mua sắm hàng hóa đối với ĐTQM; Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về LCNT qua HTMĐTQG; Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về LCNT; Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) đối với gói thầu được tổ chức LCNT trên HTMĐTQG.

Cùng với đó, HTMĐTQG cũng không ngừng được hoàn thiện, cải tiến để tạo thuận lợi tối đa cho người dùng. Cụ thể, Hệ thống đã số hóa toàn bộ các mẫu HSMT lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn; áp dụng cho cả phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ và 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; tự động tính giá dự thầu, không phải hiệu chỉnh lỗi số học; tăng dung lượng file HSDT lên 300MB; kết nối với hệ thống của ngân hàng để truy xuất thông tin bảo lãnh dự thầu qua mạng…

Ở cấp cao hơn, Chính phủ đã quan tâm sát sao và có nhiều chỉ đạo điều hành liên quan tới ĐTQM. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, trong đó có nội dung chỉ đạo về đẩy mạnh hoạt động ĐTQM.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ nhấn mạnh rõ, phấn đấu đưa tỷ lệ LCNTQM bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Chỉ thị đã đề cập nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy, tăng cường hiệu quả của ĐTQM.

Trước những quyết tâm mạnh mẽ từ cấp trung ương, các địa phương cũng có nhiều văn bản chỉ đạo tích cực đối với ĐTQM. Cụ thể, ngày 20/5/2017, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 3735/KH-UBND quy định trong giai đoạn 2017 - 2018 yêu cầu LCNTQM 100% các gói thầu mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Ngày 28/2/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND quy định 100% các gói thầu tư vấn, xây lắp, hàng hóa có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng phải thực hiện ĐTQM.

Cũng trong năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Quảng Nam cũng lần lượt ban hành các văn bản (số 2743/QĐ-UBND và số 487/TB-UBND) quy định về các gói thầu phải áp dụng ĐTQM.

Với những động thái tích cực này, tỷ lệ áp dụng ĐTQM tại các địa phương đã tăng lên mạnh mẽ.  TP.Đà Nẵng đã tăng bậc xếp hạng từ thứ hạng 13 (năm 2016) vươn lên xếp thứ 1 trong cả 2 năm (2017 và 2018). Tỉnh Hòa Bình từ xếp hạng thứ 46 (năm 2016) đã vươn lên xếp hạng 35 (năm 2017) và xếp thứ 2 (năm 2018).

Trong năm 2019, nhiều địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Bình, Hà Giang… cũng đã có nhiều động thái tích cực ban hành các văn bản chỉ đạo thúc đẩy ĐTQM. Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Tin cùng chuyên mục