Theo lộ trình, trong năm 2021 phải tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên |
Những bước tiến nhanh và vững chắc này đã tạo nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy ĐTQM trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới (Hệ thống e-GP) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự kiến chính thức vận hành trong năm nay.
Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai ĐTQM theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong năm qua?
Năm 2020 là năm thành công đối với ĐTQM, tỷ lệ áp dụng ĐTQM tính đến 31/12/2020 đạt 86,6% về số lượng gói thầu (98.172 gói thầu) và 54,6% về tổng giá trị gói thầu (303.236 tỷ đồng). Kết quả này đã vượt xa chỉ tiêu được giao cả về số lượng và giá trị, cụ thể vượt 26,6% về số lượng gói thầu; vượt 29,6% về giá trị gói thầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP (NQ 01/2020) và lộ trình áp dụng ĐTQM quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ KH&ĐT (TT11).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Anh Tuấn |
Nhìn lại quãng thời gian xa hơn, có thể thấy ĐTQM có bước tăng trưởng vượt bậc và bắt đầu chuyển mình từ năm 2016. Giai đoạn 2016 - 2018, tổng số gói thầu ĐTQM đạt 30.500 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 61.800 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57.200 tỷ đồng. Trong đó, ngay trong năm 2016, đã có hơn 3.300 gói thầu ĐTQM, tăng gấp 7 lần so với năm 2015 - thời điểm kết thúc giai đoạn thí điểm.
Đến năm 2019, cùng với việc đưa ra lộ trình tại TT11, đồng thời với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đôn đốc, hỗ trợ thường xuyên của Bộ KH&ĐT, số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM có bước tiến vượt bậc với 39.000 gói thầu, gấp đôi năm 2018 và vượt qua kết quả của cả giai đoạn 2016 - 2018. Tổng giá gói thầu thực hiện ĐTQM trong năm 2019 là 120.300 tỷ đồng.
Tại Hội nghị về ĐTQM được Cục Quản lý đấu thầu tổ chức vào tháng 10/2020, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá rất cao Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG) và cho biết, đã thực hiện thí điểm áp dụng ĐTQM cho các gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) của 2 ngân hàng. Việc thí điểm thành công ĐTQM đã giúp tăng cường tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh, hiệu quả trong công tác đấu thầu, theo đó ADB đã yêu cầu áp dụng ĐTQM cho toàn bộ (100%) các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) thuộc các dự án do ADB tài trợ kể từ ngày 1/1/2021.
Kết quả ĐTQM trong năm 2020 tạo nền tảng vững chắc cho việc chính thức vận hành HTMĐTQG mới được đầu tư theo phương thức PPP.
Khi nào HTMĐTQG mới sẽ đi vào hoạt động, thưa ông?
Hiện nay, Cục Quản lý đấu thầu đang phối hợp với Nhà đầu tư (Công ty FIS) và Doanh nghiệp dự án (IDNES) khẩn trương triển khai xây dựng HTMĐTQG mới theo đúng kế hoạch. Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành thiết kế chi tiết và dự toán của Hệ thống e-GP, đang triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng, dự kiến sẽ đưa vào kiểm tra thử nghiệm trong tháng 7 tới. Các bên cũng đang phối hợp chặt chẽ để hoàn tất việc xây dựng và đưa Hệ thống e-GP vào vận hành chính thức vào cuối năm 2021.
Trong năm qua, hệ thống pháp lý đối với ĐTQM đã được hoàn thiện như thế nào?
TT11 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2020, thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC. Thông tư này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà thầu, nhà đầu tư đăng ký tư cách hợp lệ trên HTMĐTQG. Đặc biệt, Thông tư đã đưa ra lộ trình phù hợp với đặc thù và thực tế triển khai ĐTQM, yêu cầu thực hiện 100% ĐTQM đối với các gói thầu theo từng hạn mức, qua đó giúp hiệu quả thực hiện ĐTQM từ năm 2019 đạt bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngày 30/1/2020, Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 579/BKHĐT-QLĐT (VB579) về việc tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng ĐTQM đáp ứng chỉ tiêu tại NQ 01/2020 và TT11. Hướng dẫn tại Khoản 2 Mục I VB579 đã nêu rõ các gói thầu có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, những gói thầu bắt buộc phải ĐTQM (trừ gói thầu có tính chất đặc thù chưa thể áp dụng ĐTQM như gói thầu chia làm nhiều phần, gói thầu hỗn hợp, gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá, gói thầu dịch vụ tư vấn có loại hợp đồng hỗn hợp...).
Ngoài ra, ngày 30/6/2020, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 1/9/2020). Thông tư này đã bổ sung mẫu hồ sơ mời thầu ĐTQM đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Lộ trình triển khai ĐTQM trong năm 2021 và các năm tới như thế nào khi có HTMĐTQG mới?
Theo quy định tại TT11, năm 2021, việc tổ chức ĐTQM phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh. Trong đó toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ các gói thầu chưa thể tổ chức ĐTQM hoặc các gói thầu có tính đặc thù.
Từ năm 2022, sau khi Hệ thống mới đi vào hoạt động, căn cứ tình hình thực tế, Bộ KH&ĐT sẽ đưa ra lộ trình áp dụng phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện ĐTQM, tạo sự thay đổi toàn diện trong công tác đấu thầu, tạo lập môi trường đấu thầu thực sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng, hiệu quả, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.