Công ty Quản lý bay miền Bắc: Dính kiến nghị vì chấm thầu quá lâu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 2 Cung cấp và lắp đặt 2 máy soi chiếu hành lý và 2 cổng từ tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội và Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài mở thầu ngày 24/9/2019 nhưng đến ngày 9/9/2020 mới có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Gói thầu bị kiến nghị do Công ty Quản lý bay miền Bắc làm bên mời thầu, có nội dung cung cấp và lắp đặt 2 máy soi chiếu hành lý và 2 cổng từ. Ảnh minh họa: Thanh Bình
Gói thầu bị kiến nghị do Công ty Quản lý bay miền Bắc làm bên mời thầu, có nội dung cung cấp và lắp đặt 2 máy soi chiếu hành lý và 2 cổng từ. Ảnh minh họa: Thanh Bình

Nhà thầu phản ánh cho rằng, việc bên mời thầu (BMT) kéo dài quá trình chấm thầu, thẩm định kết quả gần 1 năm đã gây thiệt hại cho nhà thầu về thời gian, kinh tế và cơ hội vì phải gia hạn hiệu lực của HSDT đến 5 lần, vi phạm quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu.

3 nhà thầu không gia hạn hiệu lực HSDT

Gói thầu số 2 có giá 2,862 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, đóng thầu vào ngày 24/9/2020. Gói thầu sử dụng vốn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, do Công ty Quản lý bay miền Bắc làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu.

BMT cho biết, có 6 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), trong đó 3 nhà thầu bị loại do không gia hạn hiệu lực của HSDT và bảo đảm dự thầu, gồm: Liên danh nhà thầu BENTA - Tân Hồng; Công ty CP VSI; Công ty TNHH CTEK Việt Nam. 3 nhà thầu được xem xét về tài chính. Trong đó, Công ty TNHH Phát triển thương mại Hải Phương, Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu HPT Việt Nam không được lựa chọn vì giá dự thầu cao hơn so với Công ty CP Phát triển thương mại và Công nghệ sản xuất mới (địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Giá trúng thầu là 2,266 tỷ đồng, giảm 0,596 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 20,8%; thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày, hợp đồng trọn gói.

Cán bộ đấu thầu của BMT cho biết, ngày 14/9/2020, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Nhà thầu trúng thầu và hiện Công ty CP Phát triển thương mại và Công nghệ sản xuất mới đang thực hiện hợp đồng.

Nhà thầu phản ánh cho biết, sau khi tham dự mở thầu ngày 24/9/2019 đến trước thời điểm được BMT thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Nhà thầu đã phải 5 lần gia hạn hiệu lực của HSDT theo yêu cầu của BMT. Khi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, BMT đã không gửi kèm bản đánh giá chi tiết HSDT đạt/không đạt của các nhà thầu. Việc BMT liên tục yêu cầu nhà thầu gia hạn HSDT với lý do HSDT đang trong quá trình thẩm định (kéo dài khoảng 11 tháng) là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu đối với thời gian đánh giá HSDT, gây thiệt hại cho nhà thầu về thời gian, kinh tế.

Chấm thầu gần 1 năm vì ảnh hưởng của Covid-19?

Giải thích với Nhà thầu về quá trình chấm thầu kéo dài gần 1 năm, BMT cho biết, trên thực tế, thời gian đánh giá HSDT là 37 ngày. Ngày 31/10/2019, BMT đã trình Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (cấp quyết định đầu tư) kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, BMT và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong công tác thực hiện đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định kết quả chấm thầu, rất nhiều lần phải làm rõ HSDT và chờ các nhà thầu liên quan làm rõ nhiều lần với nhiều nội dung phức tạp. “Gói thầu số 2 có 6 nhà thầu nộp HSDT, nhà thầu nào cũng phải làm rõ ít nhất 1 - 2 lần, có nhà thầu phải làm rõ đến 6 - 7 lần nên mất nhiều thời gian tập hợp ý kiến, làm rõ, giải trình...”, cán bộ đấu thầu của Công ty Quản lý bay miền Bắc cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cấp quyết định đầu tư cần xem xét và làm rõ việc vì sao quá trình lựa chọn nhà thầu của Gói thầu lại kéo dài gần 1 năm, nguyên nhân kéo dài có thực sự xác đáng và khách quan? Khi quá trình đánh giá HSDT và lựa chọn nhà thầu kéo dài, ngoài việc ảnh hưởng tới tiến độ của dự án thì sẽ đẩy nhà thầu vào thế bị động trong việc chuẩn bị nguồn lực thực hiện gói thầu (hàng hóa, nhân lực, tài chính…), ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và tâm lý của nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục