Cựu nhân viên Uber lập startup chia sẻ scooter điện trị giá tỷ USD

Bird trở thành startup chia sẻ xe trượt scooter điện đầu tiên được định giá trên 1 tỷ USD...
Travis VanderZanden - người sáng lập Bird - Ảnh: New York TImes.
Travis VanderZanden - người sáng lập Bird - Ảnh: New York TImes.

Startup chia sẻ xe trượt scooter điện Bird vừa huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn dẫn đầu là Sequoia Capital, nâng định giá của công ty lên 1 tỷ USD, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết. Theo đó, Bird trở thành startup scooter điện đầu tiên được định giá trên 1 tỷ USD. 

Trong vòng gọi vốn vào tháng 3, Bird cũng tuyên bố đã huy động được 115 triệu USD. Vài tháng trở lại đây, startup này liên tục mở rộng mạng lưới xe scooter của mình ra khắp các thành phố tại Mỹ. 

Người dùng Bird đặt scooter gần nhất qua ứng dụng di động với một mức phí nhỏ. Sau khi sử dụng xong, họ có thể để chiếc xe ở bất kỳ chỗ nào - nơi nó sẽ lại được đặt bởi một người dùng khác.

Bird được thành lập bởi Travis VanderZanden, 39 tuổi vào 1/9/2017. Startup này hoạt động tại cơ sở của startup chia sẻ văn phòng WeWork suốt từ đó cho tới tận vài tháng trước. Từ 5 nhân viên, đến nay, Bird đã có hơn 100 người. 

Hiện startup này đã có hàng nghìn scooter trên đường phố tại 7 thành phố Mỹ gồm Santa Monica, Venice, San Diego, San Jose, San Francisco, Austin, và Washington DC với hàng triệu lượt đặt xe. VanderZanden cho biết scooter của cứ mỗi 5 phút đi bộ lại có một chiếc scooter của Bird. 

Trước khi thành lập Bird, VanderZanden là người đứng sau startup rửa xe theo yêu cầu Cherry và sau khi bán lại cho Lyft vào năm 2013, ông trở thành giám đốc điều hành của Lyft. Năm sau đó, Uber chiêu mộ VanderZanden, đẩy ông vào vụ kiện trong đó Lyft cáo buộc ông tiết lộ bí mật kinh doanh. Hai bên dàn xếp xong vụ kiện vào năm 2016. 

VanderZanden cho biết ông đặc biệt hứng thú với phương tiện giao thông từ nhỏ, khi còn sống tại bang Wisconsin - nơi mẹ ông làm nghề lái xe bus. Ông đã chứng kiến cảnh mọi người vất vả lao đến các điểm dừng xe bus vào phút chót để tới chỗ làm hoặc về nhà. 

"Tôi nhận ra rằng đây thực sự là một khoảng trống trên thị trường và là cơ hội rất lớn", VanderZanden nói. "Và vì vậy, chúng tôi đã thực sự phấn khích khi đưa các phương tiện chạy điện chặng ngắn vào để thử giải quyết vấn đề này". 

Lý giải vì sao chọn scooter chứ không phải xe đạp, VanderZanden cho biết: "Tôi cho rằng xe đạp đã chết, giờ chỉ được dùng cho đua xe hoặc luyện tập thể thao. Khi di chuyển từ điểm A đến điểm B, đa số mọi người không muốn đạp xe vã mồ hôi". 

Thị trường chia sẻ scooter điện đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt và tốn kém. Cả hai startup gọi xe lớn tại Mỹ là Uber và Lyft đều đang muốn gia nhập thị trường này. Tháng trước, Uber đã mua lại công ty chia sẻ xe đạp điện Jump, trong khi đó, Lyft được cho là đang muốn tung ra dịch vụ chia sẻ scooter điện riêng. 

Lime - một trong những đối thủ chính của Bird, cũng đã huy động được 132 triệu USD và đang chuẩn bị chốt một vòng gọi vốn mới.

Các nhà đầu tư một mặt hứng thú với một hình thức di chuyển mới, một mặt nhìn thấy được "cơ hội lớn cỡ Uber" của những startup này.

Tuy nhiên, sự lan rộng nhanh chóng của Bird cũng như các đối thủ vấp phải sự can thiệp của chính quyền các thành phố. Từ ngày 4/6, thành phố San Francisco sẽ cấm tất các xe scooter của các công ty bao gồm Bird, Spin, và Lime, cho đến khi những công ty có giấy phép hoạt động. 

Bill Gurley - đối tác quản lý của Benchmark, cũng là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên của Uber, tỏ ra hoài nghi về các dịch vụ chia sẻ scooter, cho rằng chi phí bảo trì, sạc điện và bảo hiểm có thể là rất lớn.

Tin cùng chuyên mục