Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Từ liên danh lỏng lẻo đến... liên danh ma quỷ
Không ít bên mời thầu (BMT) khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đã phải chấp nhận rủi ro bởi sự tham gia của những liên danh nhà thầu mà bản chất chỉ là sự thỏa thuận mang tính đối phó. Điều này đang khiến nhiều BMT “đau đầu”. Một BMT tại Cà Mau chia sẻ với Báo Đấu thầu băn khoăn khi tổ chức lựa chọn nhà thầu cho một gói thầu xây lắp lĩnh vực giao thông. “Liên danh gồm một nhà thầu ở TP.HCM và một nhà thầu tại Hà Nội. Thỏa thuận liên danh hợp lệ, phân công khối lượng công việc cụ thể. Tuy nhiên, bằng con mắt nghề nghiệp khi đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của liên danh này và giám sát việc thực hiện hợp đồng sau đấu thầu, chúng tôi thực sự quan ngại, bởi với nhà thầu đến từ Hà Nội thì việc huy động nhân công, phương tiện thi công tại Cà Mau là rất không khả thi, nếu không nói là… mơ hồ”, đại diện BMT than thở.
Việc cho “vay mượn” hồ sơ năng lực để “giúp đỡ” nhau khi đi dự thầu bằng tư cách liên danh đối với các nhà thầu hiện nay là không hiếm. Hiện tượng này lây lan từ lĩnh vực xây lắp cho đến mua sắm hàng hóa, từ gói thầu quy mô lớn đến các gói thầu nhỏ. Liên danh “ma” có thể xuất hiện bởi những cái tên nhà thầu ít tên tuổi, cũng có khi là những tên tuổi sừng sỏ. Tại một gói thầu xây lắp ở TP.HCM, qua tìm hiểu các kênh thông tin, phóng viên nhận thấy, liên danh trúng thầu đã sử dụng chiêu “liên danh” nhằm mục đích quây thầu rất rõ. Theo đó, có 3 nhà thầu nộp HSDT, qua đánh giá, chỉ có hai nhà thầu vượt qua bước đánh giá kỹ thuật. Điều đáng nói, một thành viên trong liên danh nhà thầu trúng thầu lại là công ty con của nhà thầu bị loại. Bên cạnh đó, thành viên còn lại của liên danh lại là thầu phụ của nhà thầu bị loại ở bước đánh giá tài chính. Rõ ràng, cái bắt tay của liên danh này hoàn toàn có động cơ quây thầu, bởi xét từng thành viên liên danh đều có quan hệ với nhà thầu bỏ giá dự thầu cao hơn liên danh. Các nhà thầu khác quan tâm đến gói thầu này cho biết, đây chính là những thỏa thuận liên danh ma quỷ, nhập nhèm được thiết lập bởi các mối quan hệ thân hữu nhằm quây thầu.
Kiến nghị đấu thầu “lòi đuôi” liên danh ma
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, tại một số cuộc thầu, toàn bộ quá trình đánh giá HSDT, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) đều diễn ra trôi chảy, cho đến khi “lòi ra” kiến nghị đấu thầu của một liên danh nhà thầu dự thầu. Đó là khi câu chuyện “ai là nhà thầu đứng đầu liên danh”, “tính bền vững của thỏa thuận liên danh”… được đưa ra mổ xẻ.
Gói thầu xây lắp Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 của TP.HCM có giá trị 2.084 tỷ đồng. Quá trình kiến nghị đấu thầu gói thầu này kéo dài trong năm 2016 là ví dụ điển hình cho thấy cái bắt tay giữa các ông lớn thông qua bản thỏa thuận liên danh ít nhiều mang tính hình thức. Một gói thầu giá trị lớn, liên danh hai nhà thầu có tên tuổi là CC1 và Vinaconex tham gia. Khi bị trượt thầu, một thành viên liên danh đã làm đơn kiến nghị, liên danh còn lại gần như đứng ngoài cuộc. Việc kiến nghị của thành viên liên danh đã không mang lại kết quả. Về phía Bên mời thầu phải mất rất nhiều thời gian kiểm tra, đối chiếu nhiều tài liệu, việc xác định nhà thầu đứng đầu liên danh trên vẫn còn nhiều khúc mắc.
Gói thầu xây lắp điện có giá trị hơn 30 tỷ đồng tại Phú Yên lại ghi nhận những diễn biến “éo le” khác liên quan đến thỏa thuận liên danh. Thỏa thuận liên danh dự thầu có sự tham gia của 3 nhà thầu đến từ 3 địa phương khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá HSDT, sự phân hóa, chia rẽ giữa các nhà thầu bộc lộ rõ nét. Đầu tiên là toàn bộ việc kiến nghị làm rõ hồ sơ mời thầu đều do thành viên đứng đầu liên danh chủ trì, các thành viên còn lại chỉ biết “gật”, có thành viên thậm chí không biết. Khi BMT công bố kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, liên danh này không vượt qua và những rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Thành viên đứng đầu liên danh có văn bản yêu cầu Thành lập Hội đồng tư vấn đấu thầu để xử lý kiến nghị về KQLCNT thì hai thành viên còn lại lập tức có văn bản “không đồng ý với kiến nghị này, không yêu cầu thành lập Hội đồng tư vấn”. Nhà thầu đứng đầu liên danh đã rất “đau đầu” vì những diễn biến hoàn toàn bất lợi nhưng có lẽ không bất ngờ do các thành viên liên danh mang lại.
Hệ lụy của những bản thỏa thuận liên danh ảo, không có tính bền vững đã tác động trực tiếp đến hiệu quả, thời gian lựa chọn nhà thầu, khó kiểm soát việc thực hiện hợp đồng sau đấu thầu. Đối với các thành viên tham gia liên danh đôi khi cũng vạ lây, với nhiều hệ lụy khó lường.