Đánh giá uy tín trong đấu thầu gạo dự trữ: Nhà thầu “xù” hợp đồng có bị oan?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không đồng ý với quan điểm của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) về việc đánh giá uy tín của nhà thầu trong công tác mua hàng dự trữ quốc gia năm 2021, một số doanh nghiệp từng tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đã có kiến nghị (thông qua công ty luật) gửi cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, “phản ứng” của những nhà thầu này là thiếu cơ sở pháp lý.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 30/12/2020, Tổng cục DTNN có Văn bản số 1972/TCDT-QLHDT đánh giá uy tín của nhà thầu trong công tác mua hàng dự trữ quốc gia năm 2021. Theo đó, trong quá trình đấu thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2021, các cục dự trữ khu vực sẽ trừ điểm kỹ thuật đối với những nhà thầu nằm trong danh sách tham gia đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, trúng thầu nhưng từ chối ký hoặc không thực hiện hợp đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, một số nhà thầu từng có “tì vết” cho rằng, quyết định trên của Tổng cục DTNN là thiếu khách quan, không đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan; việc lập danh sách nhà thầu vi phạm là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Các doanh nghiệp này cho rằng, uy tín nhà thầu phải được đánh giá dựa trên việc thực hiện các hợp đồng, tức là hợp đồng đã được ký kết. Trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng không tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng thì không được hoàn trả bảo đảm dự thầu, chứ không được áp dụng biện pháp xử phạt nào khác ngoài quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về vấn đề này, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp hàng dự trữ quốc gia khi trúng thầu đều ký hợp đồng và hoàn thành toàn bộ hợp đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đầu năm 2020 đã có biến động mạnh về giá gạo dẫn đến nhiều doanh nghiệp trúng thầu không ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ. Trong hồ sơ mời thầu mua gạo dự trữ quốc gia 5 năm gần đây không quy định việc đánh giá uy tín của nhà thầu, do đó không khắc phục được tình trạng nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

Đối với vấn đề đánh giá uy tín nhà thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP (khoản 2 Điều 12) quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó đã được quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Tuy việc đánh giá uy tín đối với nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng chưa được quy định cụ thể, nhưng về bản chất không khác so với đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua hợp đồng tương tự. Nhà thầu ký hợp đồng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo chất lượng... thì ngoài việc bị phạt, bồi thường hợp đồng, không hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng còn bị đánh giá thấp về uy tín. Do vậy, việc nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối thương thảo hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng không ký hợp đồng, ngoài việc không được hoàn trả bảo đảm dự thầu thì cũng có thể xem xét về uy tín khi tham dự thầu.

Mặt khác, pháp luật về đấu thầu không có quy định cấm đánh giá về uy tín của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng. Tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chủ đầu tư được đưa ra các nội dung cần thiết khác trong hồ sơ mời thầu.

Một chuyên gia cũng cho biết, tại Điều 21 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cũng quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành thương thảo hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu, đàm phán sơ bộ hợp đồng trong lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, những nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối thương thảo, ký kết hợp đồng cũng có thể xem là hành vi vi phạm hành chính trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục