Đấu thầu đang có nhiều biến tướng

(BĐT) - Thể chế về đấu thầu của nước ta đã có sự phát triển, hoàn thiện liên tục. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng tiêu cực trong đấu thầu hiện nay không phải là do thiếu luật hay luật thiếu chặt chẽ, mà chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện.
Công tác giám sát, kiểm tra đấu thầu, quản lý sau đấu thầu phải được tăng cường để bớt đi tình trạng nhũng nhiễu trong đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang
Công tác giám sát, kiểm tra đấu thầu, quản lý sau đấu thầu phải được tăng cường để bớt đi tình trạng nhũng nhiễu trong đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam  cho rằng, đấu thầu trong hoạt động xây dựng là để phát huy ưu thế của cơ chế cạnh tranh nhằm đạt được mục tiêu công trình có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, từ thiết chế pháp luật đến thực thi trong thực tiễn lại vô cùng khó khăn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đấu thầu là hình thức cạnh tranh, là phương thức tiến bộ, phù hợp với cơ chế thị trường trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, song trên thực tế đấu thầu đang có nhiều biến tướng xấu gây nhiều hệ lụy.

Ông Long chỉ ra chuyện nhà thầu yếu kém đang là vấn đề thời sự và là một trở ngại khá lớn đối với nhiều dự án sử dụng vốn trong nước. Trên thực tế có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) rất đẹp với nguồn nhân lực đủ các loại trình độ, thiết bị thi công không thiếu, nguồn tài chính bảo đảm, nhưng khi đã trúng thầu và thực hiện thì bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù biết là HSDT chưa phản ánh đúng thực lực doanh nghiệp, nhưng đôi khi chủ đầu tư cũng khó gạt được vì HSDT đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của HSMT và có thể sa lầy vào chuyện kiện tụng kéo dài. Khi xét thầu, thấy có hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” hoặc tham gia với vai phụ, tạo điều kiện cho vai chính trúng thầu theo ý đồ, song chủ đầu tư không thể làm rõ, đành cho qua.

Ngược lại, về phía chủ đầu tư, trong quá trình thực thi pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu vẫn còn nhiều tiêu cực, lách luật, gây khó khăn cho nhà thầu. Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu, chủ đầu tư có những ưu ái mang tính thân hữu, người nhà, ưu tiên đối với nhà thầu thân quen của mình một cách không công bằng. Ông Long dẫn chứng điều kiện mà nhà thầu hay bị làm khó nhất chính là vấn đề hợp đồng tương tự và chứng minh kinh nghiệm thi công, nhân sự chủ chốt, nhân công, máy móc,… Có những trường hợp chủ đầu tư đòi hỏi quá nhiều so với nhu cầu thực tế của công trình, dự án đang đấu thầu. 

Quan sát công tác đấu thầu từ khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực, ông Dương Văn Cận cũng cho rằng, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay chính là các sai phạm đang tập trung và thấy rõ hơn ở phía chủ đầu tư, đặc biệt là ở địa phương.

Trước việc nhiều chủ đầu tư ngang nhiên sai phạm, lách luật, nhiều nhà thầu đã gửi văn bản kiến nghị tới các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, tuy nhiên nhiều nội dung trả lời kiến nghị của chủ đầu tư cho nhà thầu đều không thỏa đáng. Nhà thầu cũng đành chịu, vì không muốn đeo đuổi kiện tụng.

Từ thực trạng này, ông Ngô Trí Long khuyến nghị, cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu theo hướng thực sự quan tâm, coi trọng đến công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Song song với đó phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, vì đây là công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu. Mặt khác, Công tác giám sát, kiểm tra đấu thầu, quản lý sau đấu thầu phải được tăng cường, vì nếu việc này được thực hiện một cách triệt để sẽ bớt đi tình trạng nhũng nhiễu và chất lượng đấu thầu sẽ khác.

“Chừng nào hết tình trạng thích cho trúng thì trúng, chừng đó sân chơi đấu thầu mới thực sự mang lại hiệu quả cao”, ông Ngô Trí Long nói.

Tin cùng chuyên mục