![]() |
Năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai một số dự án đường sắt đô thị quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị khi áp dụng tại TP.HCM nhất thiết cần sửa đổi một số chính sách. Cụ thể, Thành phố kiến nghị sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 5 của nghị quyết này theo hướng phân cấp mạnh cho cấp có thẩm quyền.
Thực tế, điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 188/2025/QH15 đã cho phép cấp thẩm quyền “được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, thi công; nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan”. Tuy nhiên, việc chỉ quy định nhà thầu EPC, theo UBND TP.HCM là chưa đầy đủ, trong quá trình nghiên cứu tiếp theo có thể còn các gói thầu khác như: gói thầu thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP); gói thầu thiết kế và xây lắp (EC)… Để phù hợp với quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, Thành phố đề xuất bổ sung thêm nhà thầu EP, EC.
Về trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, thi công, nhà thầu EPC đã được quy định rõ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đối với lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), UBND TP.HCM cho rằng, hình thức chỉ định nhà đầu tư chưa được quy định rõ, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Luật Đấu thầu 2023 quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về PPP. Trong khi đó, khoản 1 Điều 39 Luật PPP quy định, chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp: Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 52 của Luật này để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án. Quy định này được cụ thể hóa quy trình tại Điều 67 và Điều 68 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 188/2025/QH15 cho rõ hoặc bao quát hết nội hàm vấn đề cần giải quyết.
Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, trong năm 2025, Thành phố sẽ triển khai đồng loạt nhiều dự án quy mô hàng chục tỷ USD như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm Thành phố đi huyện Cần Giờ; Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành… Do đó, Thành phố kỳ vọng một số chính sách được điều chỉnh để thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, về nhóm chính sách liên quan đến đội ngũ tư vấn, chuyên gia nước ngoài, TP.HCM đề xuất “tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự án thuộc đối tượng phải cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật thì được miễn cấp phép. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đánh giá, xác định năng lực hành nghề của cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ cho dự án”.
Luật Xây dựng 2014 quy định, nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động. Do đó, các cá nhân, tổ chức nước ngoài khi tham gia hoạt động xây dựng trong dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ năng lực. Đồng thời, theo Điều 117 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, trong trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng nhận đầy đủ hồ sơ thì thủ tục thực hiện mất 20 ngày. Thực tiễn triển khai dự án chứng minh rằng việc cấp giấy phép cần rất nhiều thời gian và các thủ tục pháp lý liên quan. Do vậy, theo UBND TP.HCM, cần thiết có cơ chế, chính sách để giảm các loại giấy phép chưa phù hợp với thực tiễn triển khai dự án và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư đường sắt đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận định: “Việc sửa đổi này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu nước ngoài theo hướng rút ngắn trình tự, thủ tục, sớm đưa dự án vào thi công xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá”.