Công ty TNHH Giặt ủi Xanh cung cấp dịch vụ giặt ủi cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong các năm 2019 – 2020. Ảnh minh họa: Lê Toàn |
Kiến nghị dai dẳng, im lặng kéo dài
Báo Đấu thầu ngày 3/9/2020 đã đăng tải bài viết “Phức tạp chuyện thay thế nhà thầu” phản ánh kiến nghị của Công ty TNHH Giặt ủi Xanh liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng cũng như tham dự các gói thầu giặt ủi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (gọi tắt là Bệnh viện).
Theo đơn kiến nghị của Công ty TNHH Giặt ủi Xanh, việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) tại 3 gói thầu giặt ủi của Bệnh viện (Gói 1 Giặt ủi đồ vải không nhiễm; Gói 2 Giặt ủi đồ vải nhiễm; Gói 3 Giặt ủi đồ vải nhân viên) không tuân thủ các quy định về đấu thầu, làm mất uy tín nhà thầu. Trước đó, nhà thầu này cung cấp dịch vụ giặt ủi cho Bệnh viện trong các năm 2019 - 2020 và tham dự 3 gói thầu nói trên. Tại báo cáo đánh giá HSDT, Bệnh viện nêu rõ, Nhà thầu không đáp ứng tiêu chí: “Không có hợp đồng bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về chất lượng giặt ủi hay cung cấp dịch vụ”.
Theo Nhà thầu, tính đến thời điểm đóng thầu 3 gói thầu nêu trên, hợp đồng đã ký giữa Bệnh viện và Nhà thầu không thuộc trường hợp bị đánh giá là “không đáp ứng”. Trong khi đó, văn bản liên quan đến đánh giá chất lượng dịch vụ của Giặt ủi Xanh bị Bệnh viện “ngâm” gần 2 tháng mới gửi, sát với thời điểm mở thầu 3 gói thầu trên khiến Nhà thầu trở tay không kịp. Theo văn bản này, chất lượng dịch vụ giặt ủi của các hợp đồng năm 2019 - 2020 tại Bệnh viện là không đáp ứng yêu cầu.
Công ty TNHH Giặt ủi Xanh đã 4 lần gửi văn bản đến nhiều nơi, nhiều cấp. Phía Bệnh viện bảo lưu quan điểm. Nhà thầu đã có văn bản kiến nghị tới người có thẩm quyền - Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý đấu thầu. Cục Quản lý đấu thầu đã có 2 văn bản gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) “đề nghị báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế - người có thẩm quyền xem xét, xử lý triệt để kiến nghị”. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa có bất kỳ văn bản nào trả lời kiến nghị của Nhà thầu.
“Nay đã quá thời hạn để người có thẩm quyền giải quyết kiến nghị về kết quả đấu thầu 3 gói thầu nói trên. Do đó, Công ty đề nghị người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị; đồng thời xem xét hủy thầu do HSDT của đơn vị trúng thầu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”, Nhà thầu đề nghị.
Được biết, 3 gói thầu với tổng trị giá 15,2 tỷ đồng đều được trao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và May thêu Tân Tiến với giá trúng thầu sát giá gói thầu.
Phải căn cứ HSMT và hợp đồng
Hồ sơ mời thầu (HSMT) cả 3 gói thầu nói trên quy định: “Hợp đồng không hoàn thành là hợp đồng bị chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành và nhà thầu không phản đối; hợp đồng bị chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành, không được nhà thầu chấp thuận nhưng đã được trọng tài hoặc tòa án kết luận theo hướng bất lợi cho nhà thầu”. Theo chuyên gia về đấu thầu, nếu trong thời gian thực hiện hợp đồng không có văn bản phạt hợp đồng, không có căn cứ pháp lý nào chứng minh nhà thầu không đáp ứng hợp đồng, thì việc đánh giá không đáp ứng là khiên cưỡng.
Trả lời Báo Đấu thầu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Hợp đồng quy định việc phạt là 70% giá trị mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, do đặc thù của dịch vụ giặt ủi này là mỗi sản phẩm có giá trị rất thấp nên Bệnh viện đã không thực hiện”. Bệnh viện thừa nhận những sơ suất như không lập biên bản phạt do giá trị bồi thường quá thấp, về khâu phát hành văn bản của bộ phận văn thư có chậm trễ. Do đó, Bệnh viện chưa chứng minh được yếu tố không hoàn thành hợp đồng của Nhà thầu một cách thuyết phục.
“Việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào các tiêu chuẩn đã đưa ra trong HSMT. Việc đánh giá uy tín nhà thầu trong yêu cầu về kỹ thuật càng cần phải thận trọng và chặt chẽ. Với những kết luận chưa được sự chấp thuận của các bên để đánh giá nhà thầu không đạt là vội vàng, dẫn tới kiến nghị kéo dài”, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng nhận định.